Nhiều ngân hàng được phê duyệt tăng vốn điều lệ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới đây đã chấp thuận cho một số ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn điều lệ, nhằm nâng cao năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Năm 2025 có thể tiếp tục là một năm có nhiều biến động đối với ngành ngân hàng khi áp lực từ nợ xấu có khả năng gia tăng. Ảnh: TL
TTXVN đưa tin, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Ngân hàng ACB sẽ phát hành gần 670 triệu cổ phiếu mới, tương đương tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 15 cổ phiếu). Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 44.667 tỉ đồng lên tối đa 51.367 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm gần 4.249 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Đơn vị dự kiến phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 14%) và 7,8 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ 0,26%). Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ hơn 29.791 tỉ đồng lên hơn 34.040 tỉ đồng.
Trong khi đó, ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỉ đồng thông qua phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 11.780 tỉ đồng lên 19.280 tỉ đồng.
Theo bản tin trên, năm 2025 có thể tiếp tục là một năm có nhiều biến động đối với ngành ngân hàng khi áp lực từ nợ xấu có khả năng gia tăng. Trong bối cảnh đó, vốn điều lệ sẽ giúp các ngân hàng chống chịu rủi ro tốt hơn đồng thời duy trì khả năng cung ứng vốn ổn định cho khách hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn kinh tế.
Ngoài 3 ngân hàng trên, nhiều kế hoạch tăng vốn cũng đã được thông qua tại các cuộc họp đại hội cổ đông thường niên và dự kiến sẽ sớm được cơ quan quản lý phê duyệt trong thời gian tới. Chẳng hạn, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 19.726 tỉ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 81.368 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã phê duyệt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 8%. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm khoảng 5.300 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Sau phát hành, vốn điều lệ của SHB sẽ tăng từ 40.657 tỉ đồng lên gần 45.942 tỉ đồng.
Tương tự, ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 5.200 tỉ đồng thông qua phát hành 520 triệu cổ phiếu trả cổ tức, đưa vốn điều lệ từ 26.000 tỉ đồng lên 31.200 tỉ đồng. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lên kế hoạch phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 5%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm khoảng 1.320,9 tỉ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính quí 1-2025, dẫn đầu toàn ngành về quy mô vốn điều lệ hiện nay là ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức vốn đạt 83.557 tỉ đồng. Tiếp theo là ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với vốn điều lệ 79.339 tỉ đồng, ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt 70.649 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với 70.214 tỉ đồng.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhieu-ngan-hang-duoc-phe-duyet-tang-von-dieu-le/