Nhiều ngân hàng lãi đậm trở lại từ bán bảo hiểm
Doanh thu mảng bán chéo bảo hiểm tại nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng trưởng trở lại sau nhiều phản ánh 'ép' khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. Trong đó, KienlongBank, VPBank, Techcombank và SeABank là những cái tên nổi bật khi nguồn thu từ mảng này đều tăng trưởng từ 2 con số trở lên, thậm chí có ngân hàng vượt hơn 50%.
Số liệu từ báo cáo tài chính quý 3 của VPBank ghi nhận tăng gần 52%. KienlongBank tăng gần 73%, Techcombank tăng gần 30%. Mức lợi nhuận tăng cao cho thấy các ngân hàng đang chú trọng trở lại vào mảng bán chéo bảo hiểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết: "Trong tương lai, mô hình hoạt động của các ngân hàng sẽ không quá chú trọng và tập trung quá nhiều vào hoạt động về mô hình bảo hiểm. Chúng ta nên nhớ rằng bảo hiểm chỉ là một trong những dịch vụ trên tổng dịch vụ của các ngân hàng và không phải là nguồn thu chính. Nếu xét về mô hình hoạt động, lợi nhuận chính của các ngân hàng vẫn sẽ đến từ các khoản tín dụng và các khoản đầu tư. Như vậy, về cơ bản, bảo hiểm chỉ có thể mang lại những khoản lợi nhuận đột biến trong ngắn hạn".
Theo các chuyên gia, hoạt động bán chéo bảo hiểm trước nay vẫn được ví như gà đẻ trứng vàng của các ngân hàng bởi các sản phẩm bảo hiểm liên kết được công ty bảo hiểm chi hoa hồng rất cao, có nơi trả đến 80% cho đối tác, khiến nhiều ngân hàng "bất chấp".
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM, chia sẻ: "Lợi nhuận của các ngân hàng sẽ rất lớn khi tập trung vào mảng này. Do đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những chỉ đạo sát sao về việc nghiêm cấm các ngân hàng "bán bia kèm lạc", vẫn còn nhiều ngân hàng vì lợi nhuận lớn mà có một số luật ngầm với các doanh nghiệp cũng như người đi vay rằng để vay được thì bắt buộc phải mua những bảo hiểm này".
Trước đó, kết luận thanh tra Bộ Tài chính công bố cho thấy trong năm 2023, tỷ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm qua kênh ngân hàng chiếm 40% - 70% chỉ sau năm đầu tiên. Nguyên nhân chính là nhiều hợp đồng bảo hiểm mua tại ngân hàng là những giao dịch không thực sự xuất phát từ nhu cầu chính đáng.
Bán chéo bảo hiểm về bản chất không phải là một mô hình xấu. Nhưng nếu hoạt động diễn ra thiếu minh bạch, không công bằng sẽ làm méo mó thị trường tài chính, mất lòng tin của người dân, bởi chức năng chính của ngân hàng là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển chứ không phải kinh doanh bảo hiểm.