Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động sau kỳ điều chỉnh của NHNN
Sau khi trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh từ 4% lên 5%/năm, nhiều ngân hàng thương mại đã công bố biểu lãi suất huy động mới, đặc biệt tăng mạnh đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Lãi suất nhiều kỳ hạn niêm yết được đẩy “kịch trần”
Động thái tăng lãi suất tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5%/năm cũng kéo theo làn sóng đẩy lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại.
Kể từ ngày 23/9, ngân hàng SCB điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng theo trần lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tại kỳ gửi không kỳ hạn, lãi suất tăng kịch trần từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm cho phép. Ở kỳ hạn 1-5 tháng, SCB nâng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm cho kỳ hạn từ 2-5 tháng.
SCB đã tăng 1 điểm % trong đợt điều chỉnh này và vẫn là ngân hàng dẫn đầu các kỳ hạn tăng lãi suất huy động tại thời điểm hiện tại.
Không chỉ riêng SCB, các ngân hàng như KienlongBank (KLB), BacABank (BAB), Eximbank (EIB), GPBank, SHB, OCB, SeABank (SSB), VIB và VPBank (VPB)... đều đưa ra mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở 0,5%/năm và lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trên 4%/năm, phổ biến dao động quanh mức 4,5-4,9%/năm.
Tại KienlongBank, trong kỳ hạn 1-5 tháng, lãi suất được điều chỉnh tăng kịch trần lên 5%/năm, tương ứng thêm 1% so với trước. Lãi suất các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2%.
Tương tự, BacABank cũng điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dưới 1 tháng lên kịch trần là 0,5%/năm. Các kỳ hạn từ 1-6 tháng tăng thêm 0,5-0,8% lên 4,5-4,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,3% lên 6,8%/năm. Kỳ hạn 12-36 tháng tăng thêm 0,2% lên lần lượt là 7,1%/năm và 7,2%/năm.
Ngân hàng ACB cũng vừa điểu chỉnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ mức 3,95-4%/năm lên 4,9-5%/năm. Đây là kỳ điều chỉnh thứ 2 trong tháng 9 này tại ACB, trước đó biểu lãi suất huy động tại ngân hàng này cũng tăng 0,1-0,3 điểm % tại hầu hết kỳ hạn gửi.
Tương tự, Vietcapital Bank đầu tháng 9 vẫn niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,2%/năm và tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng ở 3,9%/năm, đến nay các mức lãi suất này đã tăng lên lần lượt 0,5%/năm và 5%/năm, đều là mức cao kịch trần cơ quan quản lý cho phép.
Ngân hàng SHB cũng vừa tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 0,8 - 0,9%/năm so với trước đó, lên dao động từ 4,38 - 4,9%/năm. Lãi suất huy động vốn bằng VNĐ các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng lên mức tối đa 0,5%/năm.
Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tiền gửi tại SHB tăng thêm 0,4 - 0,5%/năm lên dao động từ 5,73 - 7,35%/năm. Mức lãi suất cao nhất đang áp dụng tại SHB là 8,1%/năm cho chứng chỉ tiền gửi Phát lộc kỳ hạn 8 năm và 7,9%/năm cho sản phẩm này kỳ hạn 6 năm.
Tại lần thay đổi lãi suất huy động lần này, nhóm Big 4 ngân hàng gồm Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV vẫn đứng ngoài cuộc đua với lãi suất huy động cao nhất vẫn ở dưới mức 6%/năm. Tại các kỳ hạn 1-5 tháng, những ngân hàng này cũng niêm yết mức lãi suất cũ là 3,1-3,4%/năm, thấp hơn mức tối đa.
Khoản tiền gửi trước ngày 23/9 sẽ được tính thế nào?
Vào ngày 22/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1607/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức và cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, từ 23/9, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng đã tăng 0,3%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1%/năm lên 5%/năm.
Tại văn bản cũng nêu rõ, đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (23/9), được thực hiện cho đến hết thời hạn.
Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại Quyết định này.
Sẽ còn những đợt tăng lãi suất huy động trong năm 2022-2023
Tại báo cáo "Tăng lãi suất và những tác động lên dự báo vĩ mô" ngày 22/9 của VNDirect, chuyên gia dự báo, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022.
Lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) cũng được dự báo tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Năm 2023, VNDirect nhận định lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Chuyên gia VNDirect nhìn nhận, đà tăng lãi suất tiền gửi năm 2023 sẽ duy trì do NHNN tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Tương tự, chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng nhận định trong Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng ngày 23/9, năm 2022 lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại. Bình quân lãi suất tiền gửi 12 tháng của các ngân hàng thương mại cũng tăng lên mức 6,1 - 6,3%/năm vào cuối năm 2022.
Sang năm 2023, đà tăng của lãi suất tiền gửi sẽ duy trì và dự báo lãi suất huy động tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,6-6,8%/năm vào cuối năm 2023, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức trước dịch là 7,0%/năm.