Nhiều ngành của Trường ĐH Kinh tế - Luật vào tốp dẫn đầu về điểm trúng tuyển

Ở phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, Trường ĐH Kinh tế - Luật đứng đầu trong ĐH Quốc gia TP.HCM về số lượng nguyện vọng đăng ký, nhiều ngành lấy điểm trên 900.

Thông tin từ Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), đến thời điểm này, trường đã gần như hoàn tất công tác tuyển sinh và công bố kết quả của các phương thức xét tuyển sớm năm 2024.

Đây là một trong những trường luôn nằm trong tốp đầu các trường có điểm trúng tuyển ĐH cao nhất tại khu vực miền Nam những năm qua. Các ngành/chuyên ngành thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký và có điểm trúng tuyển cao tại trường là: Kinh tế đối ngoại, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Marketing, Digital Marketing, Luật thương mại quốc tế…

Cụ thể, vừa qua, theo công bố của Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL), điểm chuẩn trúng tuyển ĐH chính quy của các phương thức xét tuyển sớm năm 2024 đều cao ở nhiều ngành học. Trong đó, ở phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, UEL đứng đầu trong ĐH Quốc gia TP.HCM về số lượng nguyện vọng đăng ký.

 Đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật đang tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh, thí sinh.

Đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật đang tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh, thí sinh.

Theo Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên trường, năm nay, trường nhận được hơn 13.500 thí sinh đăng ký xét điểm thi đánh giá năng lực với hơn 31.300 nguyện vọng, tăng 18% so với năm 2023.

Điểm trung bình đủ điều kiện trúng tuyển năm 2024 cho phương thức này là 874.

Điểm trung bình các ngành thuộc lĩnh vực Kinh tế là 863 điểm, lĩnh vực Kinh doanh là 890 điểm và lĩnh vực Luật là 849 điểm.

Năm 2024, thí sinh Nguyễn Anh Thịnh (Trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành, Trà Vinh) đạt 1.043 điểm, là thí sinh có điểm đủ điều kiện trúng tuyển cao nhất vào ngành Kinh tế quốc tế (chuyên ngành Kinh tế đối ngoại).

Ngành đào tạo có điểm đủ điều kiện trúng tuyển cao nhất là Thương mại điện tử với mức 945 điểm. Trong 33 ngành/chuyên ngành đào tạo tại trường, có 6 ngành/chuyên ngành đào tạo điểm chuẩn trên 900 điểm, 29 ngành/chuyên ngành đào tạo trên 800 điểm.

Ngoài ra, số thí sinh trúng tuyển theo phương thức này là những em thuộc tốp 25% thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi đánh giá năng lực năm nay.

Còn đối với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, trường có 3.475 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 9.931 nguyện vọng. Điểm trúng tuyển bình quân của phương thức này là 81.66 (thí sinh phải có điểm trung bình 9 điểm/môn).

Phía trường cũng cho biết dự kiến ngày 17-8, UEL sẽ công bố phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây cũng là phương thức có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh lớn nhất của trường.

Được biết, năm 2024 này, trường dự kiến tuyển khoảng 2.600 sinh viên và bắt đầu tuyển sinh ĐH với ngành Quản lý công. Trường năm nay tiếp tục giữ ổn định năm phương thức tuyển sinh.

 Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: UEL

Một giờ học của sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật. Ảnh: UEL

Và đặc biệt, năm 2024, UEL lần đầu tuyển sinh chương trình dạy và học hợp tác với doanh nghiệp Co-operative Education (Co-op) ở hai ngành Công nghệ tài chính và Hệ thống thông tin quản lý.

Điểm đáng chú ý của chương trình Co-op là dạy học có sự kết hợp giữa các học kỳ học tập thông thường với một số kỳ tập sự hay tham gia như một nhân viên chính thức, thậm chí sinh viên có thể được trả lương tùy vào vị trí, năng lực cũng như yêu cầu của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động phục vụ cộng đồng

Với thế mạnh đào tạo và nghiên cứu lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và luật, trong những năm qua, UEL luôn hướng đến các hoạt động phục vụ cộng đồng nhằm đóng góp ý kiến của mình trong việc tư vấn chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước.

Cụ thể, trường thực hiện nghiên cứu các chuyên đề cho Đề án “Hình thành và quản lý thị trường đất đai” của Ban Kinh tế Trung ương; thực hiện các nghiên cứu theo đặt hàng của UBND TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tỉnh ủy Tây Ninh, UBND tỉnh Phú Yên (Báo cáo kinh tế vĩ mô TP.HCM theo quý, Đề án quản lý và sử dụng tài sản công cho TP.HCM, hợp tác với thành phố thông qua Sở Giao thông Vận tải TP.HCM trong việc giải quyết bài toán cơ sở hạ tầng của TP.HCM thông qua các hình thức BT, BOT và PPP) và tư vấn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh: Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước.

Ở lĩnh vực luật, UEL phối hợp cùng các quỹ của châu Âu (Quỹ Rosa Luxemburg, thúc đẩy sáng kiến và Tư pháp…) thường xuyên thực hiện các dự án cộng đồng như “Tăng cường năng lực tiếp cận công lý môi trường cho các nhóm đối tượng yếu thế sống phụ thuộc vào rừng trên địa bàn TP.HCM”, “Giới thiệu Lý thuyết pháp luật nữ quyền”, “Áp dụng lẽ công bằng trong hoạt động xét xử tại tòa án Việt Nam và kinh nghiệm tại một số quốc gia”,…

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-nganh-cua-truong-dh-kinh-te-luat-vao-top-dan-dau-ve-diem-trung-tuyen-post800737.html