Nhiều ngành hàng xuất khẩu 'lỗi hẹn' với mục tiêu năm 2023
Dù tình hình đơn hàng từ đầu quý IV đã có tín hiệu khởi sắc hơn, nhưng không ít ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn có thể phải lỗi hẹn với mục tiêu xuất khẩu từ đầu năm. Thậm chí, không ít dự báo đều cho thấy nửa đầu 2024 vẫn chưa hết khó.
Dù nỗ lực lớn, nhưng dự báo cả năm 2023 ngành may sẽ mang về khoảng 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Phá kỷ lục thị trường nhưng vẫn khó
Là một trong những nhóm ngành chứng kiến sự sụt giảm đơn hàng từ cuối năm 2022, ngành dệt may đã nhanh chóng tìm hướng ra trong bối cảnh khó khăn chung bằng cách khai phá thêm nhiều thị trường mới.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chưa khi nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ đa dạng thị trường, các doanh nghiệp (DN) dệt may còn đa dạng mặt hàng. Theo đó đã có 36 mặt hàng dệt may Việt Nam được xuất đi khắp thế giới.
Nỗ lực lớn, nhưng do nhu cầu của thị trường chính là Mỹ vẫn còn yếu, nên toàn ngành vẫn tăng trưởng âm. Tính đến hết ngày 15-11 xuất khẩu dệt may giảm 12,7% và dự báo cả năm nay ngành may sẽ mang về khoảng 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.
Đã có DN xuất khẩu lớn phải cắt giảm nhân sự, như Garmex Sài Gòn tính đến 30-9 chỉ còn 37 nhân sự (gần như ngừng hoạt động), giảm hơn 1.900 người so với cuối năm 2022 và hơn 3.700 người so với cuối năm 2021.
Trong lần chia sẻ với ĐTTC mới đây, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết đơn hàng đang trở lại nhưng số lượng nhỏ, yêu cầu khó hơn, thời gian ngắn hơn và giá thành bán ra thấp hơn.
Cũng có đơn hàng trở lại trong hơn 2 tháng gần đây, nhưng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê tính đến 15-11, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn giảm hơn 18%, dự báo cuối năm nay toàn ngành chỉ đạt khoảng 14,5 tỷ USD, thấp hơn kế hoạch đề ra khoảng 2,5 tỷ USD.
Tương tự như dệt may, đơn hàng gỗ được nối lại với nhiều yêu cầu khắt khe hơn của các nhà nhập khẩu. Theo chia sẻ của ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam, khách hàng yêu cầu các sản phẩm gỗ mẫu mã phải đa dạng, nhưng lượng mua, giá mua đều giảm. Chưa hết, nhà nhập khẩu cũng yêu cầu sản phẩm phải xanh và thân thiện với môi trường hơn. Đây là áp lực cho nhiều DN.
Ấm dần lên cũng là cụm từ được nhiều nhóm ngành khác như da giày hay thủy sản khi nói đến tình hình xuất khẩu của quý cuối năm. Có đơn hàng nhiều trở lại từ cuối quý III, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Gia Định, cho biết thời điểm này công nhân của Gia Định đang phải tăng ca để kịp thời gian xuất hàng.
Một trong những thị trường chính của da giày Việt Nam là Mỹ đang có những tín hiệu tốt, khi hàng tồn kho giảm, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa phục vụ cho Noel và Tết Dương lịch tăng dần. Chưa hết, thời gian qua các DN cũng đẩy mạnh tìm kiếm những thị trường mới như khu vực Nam Phi, châu Á.
Ngay tại thị trường Trung Quốc cũng có nhiều mặt hàng DN Việt có thể xuất khẩu nên thời điểm này bắt đầu “hái trái ngọt”. Song do sự sụt giảm của những quý đầu năm quá lớn, dự báo ngành da giày năm nay chỉ mang về khoảng 19 tỷ USD, hụt gần 4 tỷ so với năm 2022.
Tương tự thủy sản cũng đang hồi phục dần trong những tháng cuối năm, để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng vào các dịp lễ lớn ở những thị trường xuất khẩu chính. Nhưng niềm vui chưa thể trở lại khi dự báo hết năm nay thủy sản chỉ mang về khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với 2022 và không hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD.
Thách thức lan qua 2024
Mặc dù đơn hàng đang có những tín hiệu ấm dần lên trong quý IV, nhưng hầu hết DN trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đánh giá khó khăn còn kéo dài ít nhất trong quý I và II-2024.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, ngành may đưa ra mục tiêu năm 2024 là 44 tỷ USD, song đây là thách thức rất lớn. Ông Giang kỳ vọng dịp Noel và năm mới 2024 ở các thị trường lớn như Mỹ, EU hàng tồn kho sẽ được giải phóng. Song để nhu cầu thực sự tăng trở lại vẫn không đơn giản do kinh tế thế giới còn nhiều biến động.
Chưa hết, nhiều thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam đưa ra những quy định mới về phát triển bền vững, xanh hóa chuỗi cung ứng… nên thách thức với các DN trong năm 2024 là không ít.
“Ngành may sẽ phải tiếp tục đa dạng thị trường, mặt hàng, phát triển bền vững để đáp ứng nhu cầu xanh hóa giảm phát thải nhà kính trong năm 2024” - ông Giang chia sẻ. Trong khi đó, một DN trong ngành gỗ cho rằng khó khăn có thể kéo dài đến hết năm vì nhiều biến động vẫn khó lường. Đơn hàng trở lại trong quý cuối năm 2023 đa phần là các đơn hàng nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu mua sắm tăng lên vào dịp cuối năm, chứ không minh chứng cho thị trường đã thực sự tăng cầu trở lại cho năm sau. Ngay cả nhóm ngành thực phẩm như thủy sản cũng được dự báo khó khăn sẽ kéo dài qua năm 2024.
Tại hội thảo nhận định xu hướng và định hình thị trường năm 2024 diễn ra mới đây tại TPHCM, ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị, nhận định triển vọng 2024 chưa sáng hơn đáng kể so với 2023. Chỉ khi nào thấy số nhập khẩu nhiều hơn mới lạc quan về con số xuất khẩu trong tương lai.
Về con số nhập khẩu, kỳ 1 tháng 11 (từ ngày 1-15) vừa qua là lần đầu tiên trong 11 kỳ báo cáo số liệu nửa tháng của năm nay ghi nhận nhập siêu 120 triệu USD. Tín hiệu đã tích cực hơn đôi chút nhưng để nhìn rõ hơn phải chờ thêm vài tháng tới.
Thực tế, khi nói đến khó khăn của năm 2024, nhiều ý kiến chỉ chú trọng đến việc đơn hàng có hồi phục nhiều hay không, điều này không sai nhưng chưa đủ. Khó khăn thách thức của năm 2024 còn đến từ sức khỏe của nhiều DN. Theo đó các DN đã phải trải qua giai đoạn khó khăn kéo dài, liệu có duy trì được sức chịu đựng tới khi sóng cầu trở lại hay không, thực sự là câu hỏi không dễ trả lời.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh giá tín hiệu phục hồi là “lốm đốm”, xu hướng chung vẫn khó khăn. DN phải từ xoay sở cho năm nay thành “siêu” xoay sở cho năm sau.
Dù đơn hàng đang có những tín hiệu ấm dần lên trong quý IV, nhưng hầu hết DN trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đang chật vật về đích.
Đức Mạnh