Nhiều ngành thấp thỏm với giá dầu
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang ở vùng cao nhất trong 10 tháng trở lại đây khiến nhiều ngành thấp thỏm về sự gia tăng chi phí đầu vào.
Giá dầu tăng trở lại
Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh. Theo dữ liệu từ Investing.vn, giá dầu Brent giao tháng 11/2023 vào thời điểm kết thúc phiên 13/9/2023 ở mức trên 92 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây bởi lo ngại nguồn cung có khả năng thắt chặt hơn.
Vào tuần trước, Saudi Arabia và Nga bất ngờ công bố gia hạn kế hoạch cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng dầu một ngày cho đến cuối năm 2023. Còn Libya, thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+), đã đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu phía Đông do nước này đang phải hứng chịu tác động của một cơn bão lớn. Kazakhstan - thành viên OPEC+ cũng giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì các nhà máy.
Goldman Sachs dự báo giá dầu thô có thể tăng lên mức 100 USD/thùng vào năm 2024 nếu Saudi Arabia và Nga tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng mạnh tay của họ.
Trong báo cáo công bố mới đây, Goldman Sachs dự báo giá dầu thô có thể tăng lên mức 100 USD/thùng vào năm 2024 nếu Saudi Arabia và Nga tiếp tục duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng mạnh tay của họ.
Trong Báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 9, Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng (EIA), thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết, thị trường dầu thô toàn cầu thâm hụt khoảng 580.000 thùng dầu/ngày trong quý III và 240.000 thùng dầu/ngày trong quý IV năm nay. EIA cũng dự báo giá dầu Brent đạt trung bình 93 USD/thùng trong quý cuối năm, tăng mạnh so với ước tính 88 USD/thùng trong báo cáo tháng 8.
Còn quan điểm của OPEC vẫn cho thấy thị trường sẽ ở trạng thái thâm hụt nguồn cung trong 2 quý cuối năm, với mức ước tính gần 1,78 triệu thùng/ngày trong quý III và thâm hụt 3 triệu thùng/ngày trong quý IV.
Công ty phân tích và dữ liệu OANDA lo ngại rằng, giá dầu thô đang tăng sau khi báo cáo hàng tháng của OPEC cho thấy thị trường dầu mỏ sẽ thắt chặt hơn rất nhiều so với dự kiến.
Theo ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc Phân tích nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nếu không có quá nhiều biến động, giá dầu sẽ neo ở mức cao từ nay đến cuối năm, dao động trong vòng 80 - 100 USD/thùng.
Nhiều ngành lại thấp thỏm
Dầu thô là một trong những hàng hóa có tầm quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu. Giá dầu thô tăng, từ góc nhìn của ông Trương Quang Bình, ảnh hưởng trước tiên tới các doanh nghiệp sử dụng dầu và khí là nguyên, nhiên liệu đầu vào, nhất là doanh nghiệp nhiệt điện và phân bón. Hiện giá khí bán cho các nhà máy điện khí đang được xác định một phần theo giá dầu FO và biến động sát theo giá dầu Brent, nên việc giá dầu thế giới tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến giá khí đầu vào của các doanh nghiệp nhiệt điện trong nước.
Theo ông Phùng Hà, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi loại phân bón khác nhau sẽ dùng nguyên liệu khác nhau, giá khí tự nhiên sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến giá urea và DAP, nhưng giá urea và DAP tăng sẽ kéo theo các loại phân bón khác tăng.
Theo tính toán, nguyên liệu khí chiếm khoảng 50 - 60% giá thành sản xuất urea. Tương tự cơ chế giá khí cho các nhà máy sản xuất điện, giá khí cho nhà máy sản xuất phân bón cũng được tính theo giá dầu, nên giá dầu tăng hiển nhiên sẽ kéo chi phí sản xuất phân bón tăng theo.
Bên cạnh đó, ngành phân bón cũng đang tận dụng thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu nên chi phí vận chuyển có xu hướng tăng theo đà tăng của giá dầu. Nhìn cả về tác động trực tiếp và gián tiếp từ giá dầu, chi phí các doanh nghiệp phân bón đều gia tăng.
Ngoài hai nhóm trên, các doanh nghiệp vận tải, săm lốp, nhựa cũng là nhóm ngành được ông Bình cho rằng chịu tác động nhất định từ diễn biến giá dầu.
Xăng dầu là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt xăng dầu chiếm từ 40 - 45% trong cơ cấu giá thành vận tải. Tính từ đầu năm nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên. Giá xăng dầu biến động bất thường, tăng cao sẽ ăn mòn lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải.
Các doanh nghiệp ngành nhựa cũng sử dụng nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa, trong khi hạt nhựa được sản xuất từ dầu. Giá hạt nhựa PVC sau khi giảm xuống mức đáy 3 năm vào giữa tháng 6/2023 thì đến nay đã bật tăng 15%, lên 6.381 USD/tấn. Chi phí hạt nhựa chiếm khoảng 90% chi phí nguyên liệu và chiếm trên 75% tổng chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngành nhựa. Do đó, giá hạt nhựa tăng có thể làm sụt giảm biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp nếu giá bán không theo kịp.
Với nhóm săm lốp, sản xuất sản phẩm lốp xe cần 3 nguyên liệu chính là cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp và các-bon đen, trong đó có 2 nguyên liệu là chế phẩm từ dầu thô. Do vậy, giá dầu tăng kéo theo chi phí sản xuất săm lốp tăng, ảnh hưởng tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này.
Đe dọa quá trình hạ lãi suất
Giá dầu và lạm phát luôn có mối quan hệ hữu cơ, thuận chiều. Việc giá dầu neo ở mức cao, thậm chí có khả năng tăng tiếp sẽ đẩy giá các loại hàng hóa, dịch vụ đi lên, gia tăng áp lực lạm phát tại nhiều nước. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương phải cân nhắc việc duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn so với dự kiến trước đó và tạo sức ép lớn với tăng trưởng kinh tế.
Những thông điệp gần đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, nhiều khả năng Fed sẽ không nâng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19/9 - 20/9 tới, nhưng tổ chức này vẫn để ngỏ khả năng sẽ nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 11, hoặc tháng 12 năm nay. Đặc biệt, với biến động giá dầu như hiện tại, niềm tin vào việc lãi suất của Mỹ đã đạt đỉnh trở nên mong manh hơn.
Trong khi đó, ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Trương Quang Bình, giá xăng dầu hiện đã tăng khoảng 9,85% so với tháng trước, khiến cho giá cước vận tải (chiếm 4,55% trọng số rổ CPI của Việt Nam) tăng 3,85% so với tháng trước. Do đó, chuyên gia này lo ngại đà tăng của giá dầu (cùng với giá lương thực, thực phẩm) sẽ gây ra rủi ro về lạm phát trong những tháng cuối năm, đe dọa quyết tâm hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhieu-nganh-thap-thom-voi-gia-dau-post329984.html