Nhiều người bị đột quỵ oan vì nhầm tưởng rối loạn tiền đình
Nhiều triệu chứng mà không ít bệnh nhân, thậm chí cả bác sĩ cũng nhầm lẫn là 'rối loạn tiền đình', nhưng thực ra là dấu hiệu của tắc động mạch thân nền đang tiến đến đột quỵ.
Tắc động mạch thân nền gây đột quỵ tử vong đến 90%
Những ngày đầu năm 2022, có khá nhiều bệnh nhân đột quỵ do tắc động mạch thân nền được chuyển đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch, có người may mắn vì đến sớm, kịp thoát cửa tử, nhưng cũng có người phải “rời xa cõi tạm”.
Nằm ở giường số 7, Khu Hồi sức tích cực (Bệnh viện S.I.S Cần Thơ), một bệnh nhân 65 tuổi (quê TP.Cần Thơ) thều thào cho biết, trước đó khoảng 1 tuần, ông đột ngột ngã quỵ, sau đó lơ mơ, yếu liệt tay chân, liệt ½ người trái, yếu ½ người phải, liệt dây thần kinh số 7. Sau đó, người nhà kịp thời đưa ông đến cấp cứu ở Bệnh viện S.I.S Cần Thơ.
Sau 1 ngày được các bác sĩ cấp cứu can thiệp nong bóng đặt stent giúp tái thông đoạn mạch máu bị tắc, bệnh nhân này đã gọi biết nghe, mở mắt, thực hiện y lệnh tuy chậm. Ngày thứ 2 sau can thiệp bệnh nhân tỉnh, thực hiện được y lệnh, ½ người phải đã phục hồi, còn liệt ½ người trái tiếp tục tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng.
Có người đột quỵ kịp thời đưa đến bệnh viện trong “thời gian vàng" đã may mắn thoát chết - Ảnh: BVCC
“Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị đột quỵ do tắc nặng động mạch thân nền. Cũng may là gia đình kịp thời đưa đến bệnh viện chuyên trị đột quỵ chỉ sau 1 giờ xảy ra tình trạng trên, nếu không, chắc tôi đã đi “đoàn tụ với ông bà” rồi”, người đàn ông này chia sẻ.
Theo thông tin từ bệnh viện, hiện bệnh nhân này vẫn phải tiếp tục theo dõi tình trạng viêm phổi và các bác sĩ tại khu hồi sức tích cực (ICU) dự kiến sẽ chuyển lên trại trong vài ngày tới.
Không may mắn như bệnh nhân giường số 7, bệnh nhân giường số 19 là một người đàn ông 41 tuổi (quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) đã qua đời sau 24 giờ can thiệp tại đây.
TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện S.I.S Cần Thơ cho biết, bệnh nhân này được chuyển đến bệnh viện giờ thứ 12, sau khi khởi phát đột quỵ. Theo lời của người thân, khoảng 4 giờ sáng, bệnh nhân than đau đầu dữ dội rồi đột ngột lơ mơ. Sau khi vào tuyến cơ sở, bệnh nhân được đưa đến một bệnh viện khác tại tỉnh Kiên Giang, chẩn đoán nhồi máu não sau đó diễn tiến nặng hôn mê.
Sau gần 12 giờ di chuyển qua các nơi, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện S.I.S Cần Thơ thì đã ở trong tình trạng hôn mê sâu, thở máy. Bệnh viện đã nhanh chóng đưa bệnh nhân lên phòng can thiệp sau khi có kết quả chẩn đoán nhồi máu não do tắc nặng động mạch thân nền.
“Sau 24 giờ can thiệp tại đây, bệnh nhân vẫn trong tình trạng rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi, gia đình xin cho anh về nhà, để người thân gặp mặt lần cuối. Tiếng khóc xé lòng của thân nhân bệnh nhân tại khu điều trị bệnh nặng khiến bác sĩ, điều dưỡng tại đây không khỏi xót xa”, bác sĩ Cường xúc động nói.
Lầm tưởng tắc động mạch thân nền với rối loạn tiền đình nên bỏ qua
Bác sĩ Cường cho biết, triệu chứng của tắc động mạch thân nền giai đoạn sớm (chưa tắc hoàn toàn) lại khá giống với “rối loạn tiền đình” với đau đầu, nôn ói, chóng mặt, mất thăng bằng, đi đứng loạng choạng, dễ chẩn đoán nhầm lẫn.
... Nhưng có người đưa đến chậm trễ đã không thể nào cứu sống - Ảnh: BVCC
Chính việc người bệnh lầm tưởng và ngay cả bác sĩ cũng chẩn đoán nhầm là bệnh “rối loạn tiền đình” mà bỏ qua, không can thiệp, khiến động mạch thân nền bị tắc hoàn toàn gây đột quỵ. “Khi triệu chứng nặng hơn bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nói khó, nói đớ, nuốt khó, tê yếu tứ chi và hôn mê dần thì việc chẩn đoán khá dễ dàng, nhưng lúc này thì bệnh đã nặng, điều trị càng khó khăn hơn”, bác sĩ Cường cho biết.
Điều đáng lo ngại, đột quỵ do tắc động mạch thân nền là thể đột quỵ nặng nề nhất, nguy cơ tử vong và tàn phế cao nhất trong đột quỵ não, so với tắc động mạch cảnh nguy cơ tử vong 50%, tắc động mạch não nguy cơ tử vong 30% thì tắc động mạch thân nền có nguy cơ tử vong cao trên 90%. Nếu may mắn qua khỏi thì người bệnh cũng bị nguy cơ tàn phế và sống đời sống thực vật kéo dài.
Trong trường hợp đột quỵ do tắc hoàn toàn động mạch thân nền một cách đột ngột cấp tính, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đột ngột té ngã, yếu liệt tứ chi, hôn mê, ngưng tim, ngưng thở sau đó và có thể diễn tiến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
“Động mạch thân nền là nguồn nuôi quan trọng nhất của não bộ con người, cấp máu cho các trung tâm kiểm soát tim mạch, hô hấp, và các dây thần kinh sọ quan trọng điều khiển chức năng nói, nuốt, thăng bằng… do đó khi tắc động mạch thân nền, nguy cơ tử vong cho bệnh nhân lên đến trên 90%, nếu không được phát hiện sớm và cấp cứu ngay”, bác sĩ Cường giải thích.
Tuy nhiên bác sĩ Cường cho rằng, dù đột quỵ do tắc động mạch thân nền là rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nhất trong các nguyên nhân gây đột quỵ nhưng vẫn có thể điều trị thành công các trường hợp đột quỵ từ nguyên nhân này, nếu bệnh nhân được đưa đến kịp thời, trong thời gian vàng.
Theo đó, trong khoảng thời gian trước 4 giờ 30 phút từ khi vừa bị đột quỵ sẽ chỉ định thuốc tan máu đông rTPA, và trước 6 giờ sẽ chỉ định lấy cục máu đông thông lại mạch máu. Càng xa thời gian này thì cơ hội sống và phục hồi của bệnh nhân sẽ càng khó, dù người bệnh có được tái thông thành công lại mạch máu.
Bác sĩ Cường cũng khuyến cáo, cộng đồng đừng chủ quan với các triệu chứng chóng mặt tư thế thường xuyên, nôn ói, nói khó nuốt khó, mất ý thức thoáng qua, tê yếu tứ chi thoáng qua nhất là với người lớn tuổi. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe bằng kiểm tra tầm soát, với những công nghệ hiện đại các mạch máu não có thể được nhìn thấy một cách dễ dàng, không cần phải tiêm thuốc hay can thiệp xâm lấn.
“Nếu phát hiện sớm một động mạch thân nền bị hẹp nặng trên 90% thì điều trị cũng chủ động, an toàn hơn rất nhiều so với phát hiện một động mạch thân nền đã bị tắc”, bác sĩ Cường nói.