Nhiều người dân bị phạt vì đốt rơm rạ ở Huế

Nhiều người dân ở TP Huế vừa bị xử phạt vi phạm hành chính do có hành vi đốt rơm rạ giữa đồng. Ngoài ra, một tổ trưởng dân phố bị phê bình vì không chấp hành nhiệm vụ được giao trong tổ chức các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ.

Ngày 8/5, UBND TP Huế thông tin, UBND phường Hương Chữ (thị xã Hương Trà) vừa ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 5 trường hợp.

Theo đó, quyết định xử phạt hành chính đối với các ông Mai Xuân Minh, Nguyễn Công Chụy, Đoàn Văn Bích, Hà Phước Sâm và Đoàn Văn Tiển, mỗi trường hợp vi phạm 2,5 triệu đồng do có hành vi đốt rơm rạ.

Việc đốt rơm rạ trên cánh đồng sau thu hoạch gây khói mù mịt, ảnh hưởng tới môi trường.

Việc đốt rơm rạ trên cánh đồng sau thu hoạch gây khói mù mịt, ảnh hưởng tới môi trường.

Bên cạnh việc xử lý vi phạm đối với các cá nhân có hành vi đốt rơm rạ, UBND phường Hương Chữ phê bình ông Phan Văn Lộc, Tổ trưởng tổ dân phố Phụ Ổ 1 do không chấp hành nhiệm vụ được UBND phường giao trong tổ chức các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế), quan niệm của người dân, việc đốt rơm rạ có nhiều cái lợi như không tốn công, chi phí xử lý rơm, đồng thời giúp tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại có trên đồng ruộng.

Tuy nhiên, thực tế việc làm này gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại. Việc đốt rơm vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên, làm thoái hóa đất canh tác.

Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế vừa ký văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các địa phương khuyến cáo người dân ứng dụng các chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

UBND TP Huế chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã giao Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Bên cạnh đó, thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh của các cá nhân, tổ chức về tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng nhằm kịp thời có biện pháp xử lý.

UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đốt rơm rạ sau thu hoạch của Sở Nông nghiệp và Môi trường để chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

UBND TP Huế cho biết, vụ đông xuân 2024-2025, toàn thành phố gieo cấy khoảng 27.900 ha lúa. Hiện nay, lúa đang giai đoạn chín, dự kiến thời gian thu hoạch tập trung từ ngày 10 - 20/5.

Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế) cho biết, Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định quy định, xử phạt tiền từ 2,5-3 triệu đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-dan-bi-phat-vi-dot-rom-ra-o-hue-169250508081053803.htm