Nhiều người dân Huế dè dặt với thịt lợn sau khi phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn
Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn TP Huế trong năm 2025 vừa được ghi nhận tại xã miền núi Nam Đông. Bên cạnh đó, TP Huế là một trong những địa phương có số ca mắc liên cầu lợn khá cao khiến người dân lo lắng, e dè trước thịt lợn.
Ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế cho biết, qua kiểm tra trang trại chăn nuôi của ông Cao Viết Hùng (ở thôn 9, xã Nam Đông) đã ghi nhận có 25 con lợn, trong đó có 14 con (trọng lượng từ 40-50kg/con) đã chết, trước đó có biểu hiện bỏ ăn, tím tái, lợn đã được tiêm phòng vaccine tam liên lợn.

Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn TP Huế trong năm 2025 vừa được ghi nhận tại xã miền núi Nam Đông. Ảnh minh họa
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, hướng dẫn chủ hộ thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi; cam kết không được bán “chạy” lợn bệnh, chết; xử lý tiêu hủy lợn chết theo quy định. Kết quả điều tra dịch tễ xác định đàn lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Sau đó, lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, người dân địa phương xử lý triệt để ổ dịch, toàn bộ số lợn còn lại được tiêu hủy theo quy định. Ngày 23/7, kết quả xét nghiệm mẫu phẩm thịt lợn nghi nhiễm bệnh tại trang trại chăn nuôi lợn của ông Cao Viết Hùng cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Cao Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đông cho biết, hiện, tổng đàn lợn ở xã có 1.200 con, đã tiêm phòng vụ Xuân được 790 liều vaccine tam liên lợn. Hiện, xã Nam Đông đang triển khai kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ thu. Theo thống kê, từ tháng 6/2025 đến nay, tại xã có 214 con lợn chết. Đa phần các trường hợp lợn chết xảy ra ở các hộ chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ. Sau khi phát hiện tình trạng lợn chết hàng loạt, UBND xã đã phối hợp cùng cơ quan thú y đến các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình kiểm tra, lấy mẫu, xử lý phun kháng sinh, khử trùng…
Sau khi có kết quả số lợn trên địa bàn bị dịch tả lợn châu Phi, chính quyền xã Nam Đông đã khuyến cáo người dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa, nhưng không nên hoang mang và cần chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng việc chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ thực phẩm đã qua kiểm tra, kiểm dịch thú y đúng quy định, thực hiện “ăn chín, uống sôi”.
Hiện, Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực 6 phối hợp với xã Nam Đông triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, giám sát và xử lý dịch bệnh kịp thời, vệ sinh, tiêu độc khử trùng; hướng dẫn người dân chăn nuôi an toàn sinh học, kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, không giấu dịch, không buôn bán, giết mổ lợn bệnh, phải tiêu hủy theo đúng quy định.
Người dân dè dặt với thịt lợn
PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế TP Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, địa phương ghi nhận 38 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Các bệnh nhân đều có tiền sử ăn tiết canh, nem chua sống hoặc các món ăn chưa nấu chín từ thịt lợn. Ngành y tế đã triển khai các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca nghi nhiễm và tăng cường tuyên truyền đến các nhóm có nguy cơ cao như người chăn nuôi, giết mổ, bán thịt lợn và người nội trợ.
Trước diễn biến của bệnh liên cầu lợn, những ngày qua, nhiều quán ăn ở TP Huế dè dặt khi bán các món ăn chế biến từ thịt lợn. Một ngày trung tuần tháng 7/2025, chúng tôi đến quán bún bò giò heo đường Đặng Văn Ngữ, nơi có đông khách thì chủ quán cho biết, hơn 10 ngày nay chị không bán bún thịt heo mà chỉ bán bún bò tái, bò hầm và bún vịt. Bệnh liên cầu lợn đang xuất hiện ở địa phương, mình sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng”. Tương tự, hàng loạt quán bún khác tại các đường: Nguyễn Lương Bằng, Phùng Hưng, Trường Chinh, Nguyễn Huệ, Nguyên Công Trứ… cũng rất ít bán các món chế biến từ thịt lợn.
Theo ghi nhận từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y TP Huế, từ giữa tháng 7 đến nay, lượng tiêu thụ thịt lợn ở các chợ truyền thống giảm hơn 50% so với trước đây. Bà N.T. H., tiểu thương bán nem chua tại chợ Đông Ba cho biết, bình thường nem chua của bà bán rất chạy, khách quen đặt cả trăm cây mỗi tuần. Giờ thì ế hẳn vì người ta sợ bệnh. Mấy hôm nay bà H. tạm dừng bán nem sống. “Tôi cảm thấy buồn nhưng không thể vì lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người khác” - bà H. nói. Chị Nguyễn Thị Thanh (trú phường Thuận Hóa, TP Huế) cho biết, hơn 10 ngày nay, nhà chị không mua thịt heo về ăn vì sau khi biết tin nhiều người nhập viện sau khi ăn thịt lợn nên lo sợ.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&MT TP Huế khẳng định, hiện dịch bệnh trên đàn lợn tại địa phương được kiểm soát tốt, các ổ dịch nhỏ lẻ đều đã được khoanh vùng, xử lý triệt để. Qua kiểm tra, lấy mẫu tại khu vực có ca bệnh, không phát hiện lợn mang mầm bệnh. “Đàn lợn trên địa bàn hiện an toàn. Người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm dịch”, ông Đức nói.
Hiện nay, TP Huế đang tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn. Ngành y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng liên quan từ thành phố đến phường, xã để tăng cường kiểm tra lâm sàng, kiểm soát giết mổ chặt chẽ tại các cơ sở, kiên quyết xử lý các trường hợp heo bệnh, nghi mắc bệnh, chết do vận chuyển.