Đúng 19h ngày 18/9, lực lượng chức năng tiến hành lệnh cấm tất cả các loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ tại một loạt tuyến phố nằm trong khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, để bắt đầu mở lại phố đi bộ sau thời gian tạm dừng hoạt động để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Trong tối đầu tiên mở cửa trở lại phố đi bộ, nhiều người dân đã đổ về khu vực này sau thời gian chờ đợi.
Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, phố đi bộ Hồ Gươm là địa điểm công cộng có số lượng du khách đông nhất ở Hà Nội vào những ngày cuối tuần.
Nhiều hoạt động vui chơi giải trí của người dân Thủ đô và du khách tại phố đi bộ Hồ Gươm đã được tổ chức trở lại, không khí vui tươi, sôi nổi là cảm nhận của nhiều người khi đến với phố đi bộ Hồ Gươm.
Theo quan sát, đa số người dân đã có ý thức đeo khẩu trang tại nơi công cộng để tự bảo vệ bản thân.
Các em nhỏ cũng được gia đình trang bị những chiếc khẩu trang mini phòng dịch.
Trong quá trình phố đi bộ hồ Gươm hoạt động, lực lượng chức năng thường xuyên túc trực nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Theo các chiến sĩ công an, vào dịp cuối tuần, lượng người đổ về phố đi bộ rất đông khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn, đa số người dân đã chủ động các biện pháp bảo vệ bản thân, tuy nhiên cũng có không ít người cứ đi qua lực lượng là bỏ ra theo đúng hình thức "chống đối".
Trên các ngả đường tại phố đi bộ, không khó để bắt gặp những người không đeo khẩu trang, vô tư dạo chơi khi nguy hiểm đang cận kề.
Cùng với phố đi bộ Hồ Gươm, tuyến phố phụ cận (tuyến phố Hàng Đào - Hàng Giấy - chợ đêm Đồng Xuân, 6 tuyến phố đi bộ mở rộng trong khu vực bảo tồn cấp I - khu phố cổ) cũng hoạt động trở lại. Tại khu vực này, nhiều người cũng thờ ơ với việc đeo khẩu trang.
Những biện pháp phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn... là những điều cần thiết trong thời điểm hiện tại. Nếu không may có một trường hợp mắc Covid-19 thì hậu quả sẽ vô cùng khó lường.
Theo bộ Y tế, đến nay dịch Covid-19 đã lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện tình hình dịch trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đã bùng phát dịch trở lại, dự báo trong thời gian tới số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng.
Ở Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. Đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Phạm Tùng