Nhiều người dân tự tay thít cổ mình khi vay tiền online
Hiện nay, trên mạng xã hội, một số tổ chức, cá nhân cho vay tiền online mời chào khách hàng bằng những lời quảng cáo hấp dẫn 'vay nhanh online, vay tiền không thế chấp, vay tiền trong 10 phút, không cần giấy tờ'. Tuy vậy, nếu không thận trọng khách hàng dễ dàng sập bẫy của 'tín dụng đen'.
Khi vay tiền triệu dễ hơn mua rau
Không cần hợp đồng lao động, không cần chứng minh thu nhập, không thủ tục rườm rà, thanh toán linh hoạt, lãi suất thấp, thủ tục dễ dàng chỉ cần chứng minh thư, người tiêu dùng có thể dàng tiếp cận khoản vay từ 1 triệu -30 triệu đồng, thậm chí 100 – 200 triệu đồng chỉ trong vài giờ đồng hồ.
Do có những ưu điểm vượt trội như có thể cho vay số tiền từ rất nhỏ đến lớn, thời gian giải ngân nhanh, ít thủ tục rườm rà, đáp ứng được nhu cầu cần tiền gấp của nhiều người nên loại hình dịch vụ này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhiều người.
"Bản chất cho vay tiền online là loại hình cho vay ngang hàng Peer to Peer (P2P). Về nguyên tắc, loại hình này luôn có một doanh nghiệp làm trung gian cung cấp công nghệ kết nối người cho vay và người vay. Bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, doanh nghiệp trung gian chỉ thu phí dịch vụ. Điểm thuận lợi của loại hình này là cho vay số tiền từ rất nhỏ đến lớn. Thời gian giải quyết lại cực nhanh, chỉ vài phút nên đáp ứng được nhu cầu cần tiền gấp của nhiều người" - anh Đỗ Ngọc Tân, nhân viên ngân hàng ở quận Ba Đình, Hà Nội cho biết.
Mặc dù Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay; trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…
Tuy vậy, một số công ty cho vay trực tuyến lợi dụng hình thức cho vay này không tính lãi theo lãi suất công bố mà chỉ thu phí quản lý khoản vay. Các dạng vay này thường không có hợp đồng quy định rõ ràng hoặc không chặt chẽ nên bên cho vay có thể đẩy chi phí vay vốn lên rất cao, ngoài lãi suất còn tính thêm phí quản lý khoản vay 2%/ngày (720%/năm).
Khi đến hạn thanh toán, nếu người vay không chấp nhận, bên cho vay sẽ áp dụng thêm mức phạt thanh toán trễ hạn và thuê xã hội đen đòi nợ, dọa nạt, trấn áp…
Ngoài ra, do không cần thế chấp tài sản khi toàn bộ khoản vay đều được thực hiện trên uy tín của khách hàng nên lãi suất vay tiền online thường cao hơn lãi suất cho vay có tài sản đảm bảo. Giá trị của khoản vay tiền nhanh thường nhỏ nên khách hàng dễ chủ quan, dẫn đến việc bị nợ đầm đìa, mất khả năng thanh toán lúc nào không hay. Đến khi đó, chẳng khác nào bên vay tự đưa tay thít cổ mình.
Vô số rủi ro
Về các nguy cơ khi vay tiền online, Luật sư Lê Hồng vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, khi cài đặt các ứng dụng vay tiền, bên vay có thể vô tình cung cấp toàn bộ danh bạ điện thoại cá nhân cho tổ chức đó. Từ đó, bên cho vay có thể nắm được thông tin liên lạc của bạn bè, đồng nghiệp, người thân bên vay.
Để hạn chế rủi ro khi vay tiền online, bên vay cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan đến khoản vay trước khi quyết định vay tiền như thủ tục xác minh, giải ngân, cách tính lãi suất và tất cả mọi khoản phí đi kèm, trường hợp quá hạn trả, phạt trả chậm và phạt trả trước, hình thức, thời hạn thanh toán, đối tượng nhận thanh toán.
Bên vay cũng nên hỏi rõ về hình thức hợp đồng giao kết, chỉ xác nhận đồng ý ký hợp đồng sau khi đã được tìm hiểu và nhìn rõ các nội dung thể hiện trên hợp đồng, tránh trường hợp thông tin bị thay đổi giữa nội dung tư vấn và trên hợp đồng đã ký.
Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân,theo quy định hiện hành, các hoạt động kinh doanh huy động tiền gửi hoặc cấp tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng. Vì vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được Ngân hàng nhà nước cấp phép là vi phạm pháp luật.
Do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát và quản lý quan hệ cho vay thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet, nên bên cho vay có thể là những đối tượng lừa đảo, "xã hội đen". Những đối tượng này biến tướng lãi suất bằng nhiều loại phí dịch vụ nhằm lách các quy định về lãi suất và bắt người vay phải chấp nhận.
Về hình thức xử lý người cho vay nặng lãi, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” có thể bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng.
Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm những đối tượng này có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 BLHS 2015. Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS, thu lợi bất chính từ 30-dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu-1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương khuyến cáo người dân cần thậntrọng khi cung cấp thông tin để đăng ký khoản vay, chủ động tìm hiểu và nghiên cứu các nội dung liên quan đến giao dịch (kiểm tra xem tổng cộng phải trả bao nhiêu tiền, gồm những khoản tiền gì, cách thức tính, thời hạn thanh toán). Bên cạnh đó, bên vay cần cân nhắc khả năng tài chính trước khi vay trực tuyến nhằm đảm bảo khả năng trả nợ đúng hạn, tránh tình trạng phát sinh các chi phí cao và không cần thiết.