Nhiều người được giải cứu khỏi các 'động quỷ'

Lực lượng chức năng Việt Nam đã tiếp nhận 410 người Việt Nam bị phía Campuchia tạm giữ do nhập cảnh trái phép, sai mục đích, khi kiểm tra tại khu vực Venus. Những người này đang làm việc cho các công ty, trung tâm lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu.

Công an làm việc với bị hại

Công an làm việc với bị hại

Ngày 13-1, Công an TPHCM cho biết, đơn vị phối hợp cùng nhiều cơ quan chức năng đã giải cứu nhiều người thoát khỏi các "động quỷ" bên nước ngoài vì tin lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”.

Những "trung tâm" lừa đảo xuyên quốc gia

Theo Công an TPHCM, vừa qua nhiều người Việt Nam bị lôi kéo, dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhàn rỗi, hưởng lương cao lên đến hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi sang đến Campuchia, những người này bị giam giữ, ép buộc lao động khổ sai hoặc làm các công việc liên quan hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Nếu nạn nhân muốn trở về phải liên hệ với gia đình để chuyển tiền chuộc rất lớn. Thậm chí trường hợp gia đình, người thân không có tiền chuộc thì nạn nhân sẽ bị đánh đập, bán cho những “công ty” khác để tiếp tục đi lừa đảo.

 Hai bị can Bùi Thị Tâm Tuyền (trái) và Huỳnh Thị Hoàng Quyên bị bắt về tội "Mua bán người" cách đây không lâu

Hai bị can Bùi Thị Tâm Tuyền (trái) và Huỳnh Thị Hoàng Quyên bị bắt về tội "Mua bán người" cách đây không lâu

Tính đến hết tháng 11-2024, Sở Ngoại vụ TPHCM đã tiếp nhận gần 200 đơn đề nghị giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài của các cơ quan chức năng; trong đó có 43 người có hộ khẩu ở TPHCM.

Trong ngày 11 và 12-12-2024, lực lượng chức năng Việt Nam tiếp nhận 410 người Việt Nam bị phía Campuchia tạm giữ do nhập cảnh trái phép, sai mục đích, khi kiểm tra tại khu vực Venus. Những người này đang làm việc cho các công ty, trung tâm lừa đảo do người Trung Quốc cầm đầu.

Không lừa đảo sẽ bị nhốt, bỏ đói, đánh đập

Công an xác định, các đối tượng tội phạm này dùng mạng xã hội đăng bài quảng cáo, tuyển lựa lao động hoặc tiếp cận lôi kéo, rủ rê người Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài tìm kiếm việc với mức lương, thưởng lên đến hàng ngàn USD/tháng. Công việc được mô tả nhẹ nhàng, không cần kỹ năng, trình độ, cam kết “việc nhẹ, lương cao”, trong đó có các casino.

Khi nạn nhân “dính bẫy”, đối tượng tổ chức cho số người này xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, chủ yếu sang Campuchia ở khu vực cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Các trung tâm lừa đảo trực tuyến, casino trá hình này đều do người Trung Quốc làm chủ, thuê người Việt Nam làm quản lý và cho người Campuchia làm bảo vệ canh gác.

Clip Công an TPHCM triệt phá đường dây mua bán người sang Campuchia mới đây

Quá trình “làm việc”, nạn nhân bị giam giữ, quản lý chặt chẽ, bị thu giữ điện thoại, bị cưỡng ép lao động. Nạn nhân chỉ được sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử do đối tượng cấp phát để lừa đảo trực tuyến như: tìm kiếm con bạc lôi kéo tham gia đánh bạc trực tuyến; kết bạn với người nữ trên mạng dụ dỗ tình cảm lừa tiền; gọi điện thoại giả danh cơ quan công quyền để lừa đảo; dẫn dụ cài App, phần mềm lạ để hack, rút tiền trong tài khoản ngân hàng...

Nạn nhân chống đối sẽ bị nhốt, bỏ đói, đánh đập. Nếu nạn nhân muốn về Việt Nam, đối tượng yêu cầu phải liên hệ với gia đình nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng. Khi gia đình nạn nhân chuyển tiền đối tượng không thả người mà bán nạn nhân cho công ty lừa đảo khác để tiếp tục thu lợi.

Công an đề nghị người dân khi có nhu cầu tìm kiếm việc làm hay đi xuất khẩu lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm hợp pháp, uy tín để được hướng dẫn cụ thể tránh mắc bẫy của đối tượng lừa đảo. Khi tìm việc làm trên mạng, cần cảnh giác với trang web giới thiệu ra nước ngoài làm việc có dấu hiệu lừa đảo như: mô tả công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không cần kỹ năng, trình độ, với mức lương, thưởng cao hấp dẫn…

Khi có đối tượng tiếp cận để ve vãn, dụ dỗ ra nước ngoài làm việc, thông tin tuyển dụng không rõ ràng, yêu cầu vô lý, “việc nhẹ, lương cao” cần hết sức cảnh giác, đề phòng, tránh mắc bẫy. Người thân nạn nhân khi nhận điện thoại yêu cầu chuyển tiền để chuộc người về nước, cần bình tĩnh tìm hiểu thông tin người thân xuất cảnh thời gian nào, theo đường gì, đối tượng nào lôi kéo, hiện đang ở “trung tâm” nào… sau đó báo công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Năm 2024, Công an TPHCM đã điều tra, khởi tố 4 vụ với 22 người liên quan hành vi mua bán người; giải cứu 54 người. Điển hình, tháng 8-2024, Công an TPHCM đã triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng hoạt động cho/nhận con nuôi có liên quan đến 32 tỉnh, thành trên cả nước.

CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-nguoi-duoc-giai-cuu-khoi-cac-dong-quy-post777648.html