Nhiều người 'gặp vấn đề' khi cập nhật sinh trắc học để chuyển tiền

Nâng cao hiệu quả khi sử dụng xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, người dùng đề xuất nâng cao tốc độ xử lý nhận diện khuôn mặt.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-7-2024, tất cả các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày được yêu cầu phải thực hiện xác thực bằng sinh trắc học.

Trình duyệt Cốc Cốc vừa công bố kết khảo sát người dùng về quy định này. Dữ liệu thu thập trên nền tảng từ ngày 1 đến 4-7.

Theo đó, có 75,4% người dùng đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học.

Cụ thể, có gần một nửa đáp viên cho biết, đã cập nhật thành công cho tất cả ngân hàng đang sử dụng.

Tuy nhiên, do khảo sát được thực hiện ngay sau thời điểm quy định vừa áp dụng nên dữ liệu cho thấy, vẫn có một bộ phận người dùng chưa thực hiện thành công hoặc vẫn tồn tại một số ngân hàng vẫn chưa thành công.

Hà Nội và TP.HCM là hai khu vực có tỉ lệ người dùng thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học thành công tất cả các ngân hàng cao nhất.

Khu vực miền Nam trừ TP.HCM và khu vực miền Trung, có tỉ lệ người dùng gặp khó khăn trong việc cài đặt sinh trắc học cao hơn so với các khu vực khác khi có đến gần 30% chưa thực hiện thành công bất kỳ ngân hàng nào.

Về trải nghiệm người dùng, có hơn 40% đáp viên cảm thấy quá trình thu thập sinh trắc học là rất dễ dàng/dễ dàng.

Bên cạnh đó, có hơn 30% người dùng cảm thấy việc thực hiện này rất khó khăn/khó khăn.

Nhìn chung, phần lớn người dùng dưới 35 tuổi cảm thấy việc thực hiện cập nhật sinh trắc học khá dễ dàng, với tỉ lệ 44%, cao hơn gấp 1,2 lần so với nhóm người dùng trên 35 tuổi.

 94% người dùng biết quy định qua truyền thông

94% người dùng biết quy định qua truyền thông

Tuy vậy, gần 2/3 người dùng gặp vấn đề khi thực hiện cập nhật sinh trắc học, trong đó có 44% người dùng gặp từ hai vấn đề trở lên.

Cụ thể, người dùng thường gặp các vấn đề liên quan căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt, thiết bị, thông tin hướng dẫn hay thậm chí là phải ra ngân hàng mới thực hiện được.

Khi được hỏi về vấn đề bảo mật thông tin khi áp dụng sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, hơn 36% người dùng lo ngại về vấn đề bảo mật, hơn 42% trung lập, hơn 20% không lo ngại.

Đặc biệt, có đến 50% người dùng 35-44 tuổi lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân khi sử dụng xác thực sinh trắc học, trong khi tỉ lệ này ở các nhóm tuổi khác từ 24% - 39%.

Theo Cốc Cốc, do quy định chỉ mới được áp dụng người dùng vẫn cần thời gian để thực hiện chuyển đổi và thích nghi.

Người dùng chia sẻ về những trải nghiệm chưa tốt: Tốn thời gian hơn so với Face ID (mất khoảng 7-10 giây).

Khó nhận diện khuôn mặt, ví dụ phải quay nhiều góc mặt, phải để xa điện thoại, phải cười, phải có ánh sáng tốt…

Cảm thấy phiền phức vì phải thêm bước, bất tiện cho những người bị cận.

Do đó, nâng cao hiệu quả khi sử dụng xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, người dùng có những đề xuất: Hỗ trợ nhiều dòng điện thoại/ dùng camera quét thay vì phải có điện thoại tương thích.

Nâng cao tốc độ xử lý nhận diện khuôn mặt, bảo mật thông tin. Đơn giản hóa bước xác nhận, bỏ giới hạn hạn mức chuyển tiền.

Nên phát tiếng để hướng dẫn thay vì hiển thị chữ khi người dùng phải bỏ kính. Có thông báo điều chỉnh CCCD như thế nào khi quét NFC.

Cho lựa chọn thêm phương thức khác với giao dịch trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày khi xác thực sinh trắc học lỗi, không dùng được.

Sự tin tưởng của người dân vào nguồn tin chính thống

Truyền thông về quy định xác thực sinh trắc học đã mang lại những hiệu quả tích cực khi có đến 94% người dùng tham gia khảo sát đã biết đến quy định này.

Trong đó, mạng xã hội, các ứng dụng, ngân hàng chiếm ưu thế. Báo chí với tỉ lệ tiếp cận khá cao tới 37%, cho thấy sự tin tưởng của người dân vào nguồn tin chính thống và chi tiết.

Truyền hình với 24,6%, vẫn là kênh tiếp cận quan trọng, đặc biệt đối với những người dùng truyền thống và người lớn tuổi.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-nguoi-gap-van-de-khi-cap-nhat-sinh-trac-hoc-de-chuyen-tien-post800284.html