Nhiều người lở loét, hoại tử da do bị sứa lửa đốt

Nhiều người tại TPHCM bị viêm da, lở loét, hoại tử da do tiếp xúc với sứa biển trong khi tắm biển.

Ngày 24/7, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bị viêm da do tiếp xúc với sứa biển.

Nổi ban khắp người vì bị sứa lửa đốt

Nam bệnh nhân 47 tuổi (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM trong tình trạng da vùng chân xuất hiện nhiều vết thương dài, mảng hồng ban sưng phù nề. Có nhiều vùng bị loét sâu kèm mủ vàng đục.

Bệnh nhân cho biết, cách đây vài ngày đã đi tắm biển ở Vũng Tàu và bị sứa biển quất vào chân. Sau khi lên bờ, da vùng chân bên trái của bệnh nhân bị sưng nề, các đường lằn dọc theo vết chuyển màu đỏ phồng rộp và nổi bóng nước.

Một nữ bệnh nhân 55 tuổi khác cũng bị viêm da tiếp xúc dị ứng, nổi những mảng hồng ban, sưng phù kèm những chỗ bị loét, chảy mủ và hoại tử sau khi bị sứa lửa đốt khi tắm biển.

Nhiều bệnh nhân bị viêm da kích ứng, hoại tử, lở loét do sứa lửa đốt. Ảnh: BVCC.

Nhiều bệnh nhân bị viêm da kích ứng, hoại tử, lở loét do sứa lửa đốt. Ảnh: BVCC.

Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi - Phó trưởng phòng, điều hành phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM - cho biết, khoảng thời gian từ đầu hè đến nay, bệnh viện đã nhận một số trường hợp bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do sứa biển.

Theo bác sĩ Nhi, sứa lửa là loài sứa nguy hiểm, có thể gây kích ứng, dị ứng trên da người. Khi bị sứa lửa đốt, bệnh nhân có thể có những triệu chứng: đau nhói dữ dội như bị kim đâm hoặc roi quất vào da; nổi mẩn đỏ, sưng và có thể lan rộng qua những khu vực xung quanh; vùng da tiếp xúc với sứa bị ngứa rát và có thể kéo dài trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày, thậm chí là loét da và hoại tử….Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng toàn thân như buồn nôn và nôn, khó thở, tăng nhịp tim…

Trường hợp bệnh nhân bị sứa đốt nếu được đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời bằng các thuốc uống và thoa đặc hiệu, tình trạng viêm da có thể phục hồi nhanh chóng.

"Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị sứa đốt tự điều trị dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng, chảy dịch, loét da hoặc thương tổn lan rộng điều trị khó khăn hơn, có trường hợp phải dùng thuốc toàn thân như kháng sinh, kháng viêm mạnh mới kiểm soát được", Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi chia sẻ.

Cần làm gì khi bị sứa đốt?

Theo bác sĩ Nhi, khi bị sứa lửa đốt, nạn nhân cần nhanh chóng rửa sạch vùng da tiếp xúc với sứa bằng nước muối sinh lý hoặc với nước sạch. Trường hợp các xúc tu sứa còn bám lên da, cần sử dụng nhíp hoặc đeo găng tay để loại bỏ cẩn thận các xúc tu sứa. Lưu ý, tuyệt đối không dùng tay trần vì có thể bị dính nọc của sứa và làm lây lan vùng da bệnh.

Một trường hợp bị sứa lửa đốt trong khi tắm biển. Ảnh: BVCC.

Một trường hợp bị sứa lửa đốt trong khi tắm biển. Ảnh: BVCC.

Sau khi vệ sinh vết đốt, nạn nhân nên dùng khăn lạnh hoặc túi chườm đá chườm lên vết thương trong 20 phút để giảm đau và sưng tấy. Tránh chườm trực tiếp đá lên da vì có thể gây bỏng lạnh.

Sau khi xử lý ban đầu, nạn nhân cần đến khám các cơ sở có phòng khám da liễu hoặc bác sĩ chuyên gia da liễu để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng không mong muốn.

Phó trưởng phòng, điều hành phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM cảnh báo, người dân tuyệt đối không được tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, đắp lá, đắp thuốc không rõ loại vì có thể gây ra tình trạng nặng hơn, thương tổn lan rộng hoặc nhiễm trùng vùng da bị sứa đốt.

Quá trình điều trị cần theo dõi sát các vết thương để phát hiện các triệu chứng bất thường như đau nhức, nổi mẩn đỏ, ngứa rát ở da, vùng thương tổn lan rộng, chảy dịch nhiều, cần đến nặng như buồn nôn, nôn, khó thở, tăng nhịp tim…để phát hiện và điều trị kịp thời tránh trường hợp biến chứng như loét da, tăng sắc tố sau viêm, mất sắc tố sau viêm, sẹo xấu, sẹo phì đại, sẹo lồi ở vùng da bị sứa cắn có thể hạn chế nếu được xử lý và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nhi cho rằng, để tránh tình trạng bị sứa lửa đốt, người dân nên tránh tắm biển hoặc tham gia các hoạt động dưới nước ở những khu vực có sứa lửa. Tuân theo hướng dẫn của nhân viên cứu hộ hoặc người địa phương về nguy cơ sứa lửa.

Đồng thời, nên mặc quần áo bảo hộ dài tay, vớ chân khi tắm biển. Sử dụng mũ rộng vành để che chắn da mặt và cổ. Trước khi đi tắm biển, cần trang bị các kiến thức về cách sơ cứu khi bị sứa lửa đốt.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-lo-loet-hoai-tu-da-do-bi-sua-lua-dot-169240724144504442.htm