Nhiều người lớn ở Anh ngại nói về tình dục, giới tính
Nghiên cứu mới đây cho thấy một nửa số người trưởng thành ở Anh không thoải mái khi hỏi người khác về tình dục, giới tính hoặc tình trạng khuyết tật.
Cuộc khảo sát được thực hiện bởi YouGov dưới sự ủy quyền của Google trên 3.032 người trưởng thành tại Anh, theo Independent.
Kết quả cho thấy 35% lo ngại khi hỏi người khác về vấn đề tình dục, 31% né tránh hỏi về giới tính và 26% không thoải mái khi đặt câu hỏi về tình trạng khuyết tật.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra sự phân chia khác biệt trong thế hệ tuổi tác. Cụ thể, khoảng 50% người từ 18 đến 24 tuổi cho biết họ cảm thấy bình thường khi hỏi các vấn đề cá nhân, trong khi đó những người trên 55 tuổi lại dè dặt.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu thu thập được, dù không đặt câu hỏi trực tiếp, nhiều người vẫn tò mò và tìm kiếm câu trả lời thông qua Internet.
Các tìm kiếm thịnh hành nhất trên Google trong năm qua bao gồm các câu hỏi như "Có bao nhiêu giới tính?", "Tình dục đồng tính là gì?" và "Tự kỷ có phải là một dạng khuyết tật?".
Số đông mọi người đều lo ngại có thể gây ra sự xúc phạm hoặc bị phán xét khi hỏi người khác về chuyện riêng tư, cá nhân. Trong đó, phụ nữ có xu hướng lo lắng về việc này nhiều hơn nam giới 11%.
Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết nỗi lo sợ này là không cần thiết. Khoảng 1/5 người thuộc cộng đồng LGBT+ cho biết cảm thấy được là chính mình hơn nếu được hỏi về giới tính một cách trực tiếp.
Trong khi đó, 3% người khuyết tật cho biết họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm nếu như nhận những câu hỏi quá kỹ về cuộc sống hàng ngày cũng như lời đề nghị ủng hộ.
Giáo sư Sophie Scott, Giám đốc Viện Khoa học Thần kinh nhận thức (Đại học College London) cho biết: “Các chủ đề như tình dục, tôn giáo và khuyết tật khiến nhiều người lo lắng khi tiếp cận. Nhưng theo như nghiên cứu từ Google, điều rất quan trọng là bạn hãy đặt câu hỏi để người đối diện cảm thấy thoải mái. Việc bị giả vờ phớt lờ còn tồi tệ hơn rất nhiều so với những câu hỏi".
Scott chia sẻ một mẹo hữu ích là hãy chú ý đến cách đặt câu hỏi với người đối diện để cuộc nói chuyện không giống như đang thẩm vấn. Ngoài ra, mỗi người cũng cần chú ý đến tông giọng của mình.
“Đây là cách hiệu quả để tăng cường sự gắn kết xã hội. Hãy thoải mái trong cuộc trò chuyện và bạn sẽ thấy các câu hỏi có thể bắt đầu một cách tự nhiên”, cô nói.