Nhiều người mắc Covid-19 không có dấu hiệu nhưng di chứng kéo dài
Nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng ban đầu, nhưng di chứng về sau lại nghiêm trọng và kéo dài.
Theo New York Times, kết luận trên được các nhà khoa học Mỹ đưa ra sau khi phân tích hồ sơ y tế điện tử của 1.047 người mắc Covid-19 ở bang California. Nghiên cứu này cũng tập trung vào những người chưa từng nhập viện khi bị nhiễm bệnh.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy gần 1/3 số bệnh nhân mắc các vấn đề lâu dài không có bất kỳ triệu chứng nào trong 10 ngày sau khi họ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau hơn 60 ngày, 382 người (27%) phải vật lộn với các triệu chứng sau Covid-19 như khó thở, đau ngực, ho hoặc đau bụng.
Nghiên cứu mới được thực hiện với quy mô lớn hơn nhiều nghiên cứu khác về các triệu chứng Covid-19 kéo dài được công bố cho đến nay.
Các nhà khoa học đã sử dụng hồ sơ điện tử từ hệ thống của Đại học California, cho phép họ thu thập thông tin sức khỏe và nhân khẩu học của bệnh nhân từ khắp tiểu bang. Họ cũng loại trừ các triệu chứng bệnh nhân gặp phải trước khi nhiễm bệnh. Điều này đảm bảo cho các nhà khoa học tập trung vào những triệu chứng sau Covid-19.
Theo tiến sĩ Melissa Pinto, Phó giáo sư điều dưỡng tại Đại học California Irvine, đồng tác giả nghiên cứu, các triệu chứng Covid-19 kéo dài ảnh hưởng mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ em. Nghiên cứu cho thấy hơn 30 triệu chứng Covid-19 kéo dài, bao gồm lo lắng, đau thắt lưng, mệt mỏi, mất ngủ, các vấn đề về đường tiêu hóa và nhịp tim nhanh. 5 cụm triệu chứng dường như xuất hiện cùng nhau, như đau ngực và ho hoặc đau bụng và đau đầu.
Tiến sĩ Pinto cho biết điều quan trọng là phải nghiên cứu tình trạng bệnh theo thời gian, thay vì ở một thời điểm.
"Các triệu chứng có thể thay đổi hàng ngày. Một ngày họ có thể bị đau ngực và nhức đầu. Ngay hôm sau, cơn đau tức ngực và nhức đầu không còn nữa nhưng họ lại bị đau lưng và đau cơ. Chúng tôi cần nắm bắt quỹ đạo và sự thay đổi của các triệu chứng theo thời gian. Chúng tôi cần thực hiện điều này với quy mô lớn hơn ở Mỹ", bà nói.
David Putrino, Giám đốc Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu mới, cho biết ông và các đồng nghiệp tại Trung tâm chăm sóc sau Covid-19 của bệnh viện cũng nhận thấy tình trạng tương tự.
Năm 2020, ông Putrino cũng tham gia nghiên cứu về vấn đề này nhưng với quy mô nhỏ hơn. Ông chia sẻ: "Nhiều người mắc Covid-19 không có triệu chứng cũng có thể tiếp tục phát triển hội chứng sau Covid-19 cấp tính".
Khi Trung tâm chăm sóc hậu Covid-19 được mở ra tại Bệnh viện Mount Sinai, các bác sĩ tiếp đón hàng trăm bệnh nhân, phần lớn là phụ nữ, xếp hàng đến khám, trong số đó cũng có nhiều người chỉ mắc Covid-19 nhẹ. Họ không nhập viện, còn trẻ, sức khỏe tốt, không bị bệnh nền như tiểu đường hay béo phì, nhưng nhiều tháng sau, cơ thể của họ chưa thể phục hồi.
Họ báo cáo hàng loạt những triệu chứng kỳ lạ không liên quan, bao gồm mệt mỏi, đau nhức, khó thở, nhạy cảm nhẹ, không thể vận động mạnh, mất ngủ, tim đập nhanh không lý do, tiêu chảy và chuột rút, trí nhớ giảm sút, hiện tượng sương mù não.
Trong nghiên cứu mới được công bố, khoảng 59% bệnh nhân có các triệu chứng kéo dài là phụ nữ, 50% là người gốc Tây Ban Nha và 31% là người da trắng. Vì vậy, các tác giả của nghiên cứu và tiến sĩ Putrino cho hay bất kỳ kết luận đáng tin nào đều cần thêm nhiều nghiên cứu lớn hơn trên phạm vi quốc gia.