Nhiều người nghỉ việc vì quan hệ không tốt với sếp

Thế hệ Z (1995-2015), thành viên mới nhất của lực lượng lao động, với 48,11% biết đến nghề nghiệp hiện tại của mình qua mạng xã hội.

Trên đây là kết quả "Khảo sát Lựa chọn nghề ngiệp và động lực làm việc" do Adecco, nhà cung cấp các giải pháp nhân sự công bố hôm 27-6.

Kết quả khảo sát cho thấy, lợi ích về lương và tài chính vẫn là ưu tiên hàng đầu với người lao động, kế đến là công nhận về mặt chuyên môn và hứng thú trong công việc.

Tuy nhiên, khi được hỏi về lý do nghỉ việc, thì thiếu hụt cơ hội phát triển sự nghiệp lại là lý do hàng đầu (51,3%), tiếp đến là cơ hội tốt hơn (32,4%) và quan hệ không tốt với sếp trực tiếp (10,8%).

Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng TP.HCM, Adecco Việt Nam phân tích, có rất nhiều yếu tố tác động đến trải nghiệm đi làm của người lao động, phần lớn là những yếu tố không liên quan đến tài chính.

Ngoài phúc lợi về tài chính, nhiều nhân tố nội bộ như cơ hội phát triển nghề nghiệp, văn hóa công ty, mỗi quan hệ giữa đồng nghiệp vẫn có thể được kiểm soát để ngăn tình trạng chảy máu nhân tài.

Mạng xã hội trả thành kênh thông tin nghề nghiệp hàng đầu đối với giới trẻ. Ảnh: P.ĐIỀN

Mạng xã hội trả thành kênh thông tin nghề nghiệp hàng đầu đối với giới trẻ. Ảnh: P.ĐIỀN

Khảo sát cũng chỉ ra thông tin khác thú vị về thế hệ Z (1995-2015), thành viên mới nhất của lực lượng lao động, với 48,11% thế hệ Z biết đến nghề nghiệp hiện tại của mình qua mạng xã hội.

Mạng xã hội đã bỏ xa thông tin từ trường học (18,86%), bạn bè (17,92%) và truyền thông truyền thống (5,66%) để trở thành nguồn thông tin nghề nghiệp hàng đầu.

Ông Andree Manges, Tổng Giám đốc Adecco Malaysia & Việt Nam, đánh giá: Thế hệ Z Việt Nam, với lợi thế được đào tạo và khả năng tìm kiếm thông tin, trở nên chủ động trong sự nghiệp sớm hơn so với những thế hệ trước. Các bạn bắt đầu tìm kiếm cơ hội thực tập từ năm nhất đại học, và không ngại mở rộng mối quan hệ của bản thân qua các sự kiện.

Tuy vậy, kỹ năng của các bạn vẫn còn mang tính lý thuyết, cần được rèn luyện thêm trong quá trình làm việc, nhất là kỹ năng mềm.

Khi được hỏi về nơi đào tạo kỹ năng làm việc tốt nhất, 48,55% thế hệ Z Việt Nam cho biết được rèn luyện qua kỳ thực tập, 40,75% qua hoạt động câu lạc bộ và 34,7% qua công việc làm thêm.

Rất nhiều công ty lớn hiện nay tập trung phát triển nhân tài từ trên ghế nhà trường, với mong muốn xây dựng quỹ nhân tài có chuyên môn cao, phù hợp với cách làm việc và văn hóa công ty.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nhieu-nguoi-nghi-viec-vi-quan-he-khong-tot-voi-sep-842751.html