Nhiều người nhận ra các nguy cơ mất an toàn ở chung cư mini, nhưng vì sao vẫn thuê, mua?
Rất nhiều người, trước khi 'xuống tiền' mua chung cư mini đều nói cảm thấy 'lờ mờ', thậm chí là có người nói 'thấy rõ' các nguy cơ từ pháp lý đến nguy cơ mất an toàn khi ở tại loại hình nhà ở này.
Vừa qua, vụ cháy chung cư mini tại phường Phương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã khiến 56 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương đã khiến rất nhiều người phải đau xót.
Mặc dù đã có nhiều ý kiến cảnh báo về sự thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy ở loại hình nhà ở này, thế nhưng, vì lợi nhuận và cả sự tắc trách của cơ quan chức năng, chung cư mini vẫn “mọc lên” như nấm.
Thống kê của Hà Nội cho thấy, hiện toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ,... Nếu không có một giải pháp kịp thời, một thảm họa khác có thể xảy ra trong tương lai.
Vì sao chung cư mini lại được ưa chuộng?
Liên quan về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tuấn - chuyên gia bất động sản cho rằng, chung cư mini rất được ưa chuộng ở các thành phố lớn, vì có giá rẻ và nằm ở trong khu vực trung tâm.
Đơn cử, một căn hộ trong chung cư mini tại khu vực Đống Đa, Thanh Xuân có giá chỉ từ 15 - 20 triệu đồng/m2. Tức là chỉ cần bỏ ra chưa tới 1 tỷ đồng, người dân có thể sở hữu một căn hộ 2 phòng ngủ.
Trong khi đó, tại các dự án nhà ở thương mại trong cùng một khu vực hiện nay đã có giá 50 - 60 triệu đồng/m2, cao gấp 3 - 4 lần so với chung cư mini.
“Rõ ràng, với mức giá chênh lệch như trên, người có thu nhập thấp sẽ là đối tượng mua sản phẩm này” - ông Tuấn nói.
Chưa thực sự đồng ý với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARs) cho biết, những người tìm đến chung cư mini để mua, đa phần là những cá nhân, hộ gia đình trẻ mới đi làm, người ở tỉnh lẻ, điều kiện kinh tế chưa đủ để mua căn hộ chung cư hoặc bố mẹ ở quê mua tạm cho con cái học Đại học.
Thực tế, những đối tượng mua loại hình nhà ở này đa phần không phải dân lao động chân tay mà hầu hết đều là lao động có trình độ, với đủ ngành nghề từ dân văn phòng, kế toán, bác sĩ, giáo viên,…
Rất nhiều người trong số họ, trước khi “xuống tiền” mua chung cư mini đều “lờ mờ”, thậm chí là “thấy rõ” các nguy cơ từ pháp lý đến nguy cơ mất an toàn khi ở tại loại hình nhà ở này.
Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến việc họ biết nhưng vẫn chấp nhận “nhắm mắt, đưa chân”, đó là thị trường hiện nay ngày càng thiếu trầm trọng các sản phẩm nhà ở giá bình dân, phù hợp với túi tiền của phần đông người dân. Chưa kể đến nhiều dự án nhà ở hình thành trong tương lai, không những giá cao mà pháp lý cũng có nhiều sai phạm.
“Bần cùng bất đắc dĩ”, đứng trước mong muốn cần ổn định chỗ ở, trong khi tài chính có hạn, tiền ít, nhiều người không dám “mơ” mua được những căn hộ chung cư đảm bảo chất lượng, lúc đó chung cư mini là lựa chọn phù hợp nhằm thỏa mãn đồng thời nhu cầu về nơi ở: vị trí trung tâm - ổn định - giá rẻ” - ông Đính nói.
Rủi ro đã được cảnh báo
Theo Chủ tịch VARs, để tăng lợi nhuận, hầu hết các chủ chung cư mini đều xây vượt tầng cho phép. Nhiều chung cư không được đầu tư cơ sở hạ tầng, hoặc cơ sở hạ tầng xuống cấp nhưng thiếu quan tâm bảo trì để sửa chữa, gia cố, gây mất an toàn cho cư dân.
Riêng vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy, những năm 2007-2010, gần như không được người mua quan tâm đến. Sau này, chính sách sáng tỏ hơn, nhận thức tốt hơn, nhưng tình trạng này vẫn không mấy được cải thiện hoặc chỉ cải thiện trên giấy.
Thực tế, việc chung cư mini thiếu an toàn đều đã thấy, việc lách luật để hợp thức hóa CCMN cũng không ít. Từ năm 2018, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện thống kê số lượng nhà chung cư mini trên địa bàn quản lý, tuy nhiên đến nay, Hà Nội chưa công bố số lượng chung cư này.
Ông Đính cho rằng, nếu như ngay từ đầu, chủ chung cư mini tuân thủ đúng quy định, xây dựng chung cư mini đúng theo phê duyệt, với số tầng phù hợp, có thang thoát hiểm, sau khi đưa vào vận hành thực hiện bảo trì bảo dưỡng thường xuyên, trang bị đúng và đầy đủ các biện pháp phòng cháy chữa cháy thì có lẽ sự cố sẽ khó có thể xảy ra. Cho dù có xảy ra đi chăng nữa, hậu quả cũng sẽ được kiểm soát.
Nếu như cơ quan chức năng làm việc đúng chức trách, sau khi phát hiện ra sai phạm, xử lý một cách triệt để. Nếu như công tác quản lý chung cư mini được tiến hành một cách thường xuyên và chặt chẽ, thì có lẽ sẽ không có tòa chung cư mini không đạt chuẩn nào được vận hành.
Nếu như thị trường có đủ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người dân, thì có lẽ những tòa chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn cũng sẽ không có cơ hội được tiêu thụ.
“Nói như vậy để thấy được, có rất nhiều cá nhân, tổ chức liên quan, gây ảnh hưởng và tác động đến vấn đề liên quan đến chung cư mini” - ông Đính nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM đã nhiều lần lên tiếng về các rủi ro về chung cư mini. Trong hơn 10 năm qua, HoREA đã nghiên cứu tình trạng phát triển tự phát “chung cư mini” và nhận thấy, tình trạng “nở rộ” chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát.
Theo ông Châu, nguyên nhân tiếp theo dẫn đến tình trạng tràn lan chung cư mini là những hạn chế, yếu kém trong công tác thực thi pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp cơ sở.
“Cũng đã có hiện tượng cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép” - HoREA nhận định.
Ngoài ra, còn do biên chế của chính quyền cấp cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, nhất là tại các huyện có dân số lớn (thậm chí tương đương dân số một tỉnh nhỏ) và đang có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do các đầu nậu và một số doanh nghiệp liên kết với hộ gia đình, cá nhân và móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở, để thực hiện các công trình nhà chung cư mini trái phép.
Căn cứ tình hình trên, ông Châu kiến nghị sửa đổi bổ sung theo hướng sử dụng công cụ quy hoạch, nhằm hạn chế phát triển loại nhà ở riêng lẻ kiểu nhà “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” có nhiều phòng tại khu vực đô thị, quận nội thành. Loại căn hộ mini này chỉ nên dùng để cho thuê.
Trong đó, quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải là nhân tố nền tảng, nhằm đảm bảo phát triển các khu nhà ở, khu đô thị, khu dân cư theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Ngoài chỉ tiêu quy hoạch về hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, còn phải có chỉ tiêu quy hoạch quan trọng như: hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao, nhất là chỉ tiêu dân số của dự án...
“Mặt khác, thiết kế nhà chung cư và “căn hộ nhỏ” cần khoa học và hợp lý, giữ vai trò nền tảng, đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực lên hệ thống hạ tầng và nguy cơ “ổ chuột” trên cao”, ông Châu nhấn mạnh.