Nhiều người nhập viện cấp cứu do ngã ở độ cao 2-4m khi khắc phục hậu quả bão số 3
Do ảnh hưởng của mưa bão số 3, hiện vẫn có không ít trường hợp từ tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu. Trước đó, đã có gần 100 bệnh nhân cấp cứu, phẫu thuật tại bệnh viện này bị chấn thương, đa chấn thương do nhiều nguyên nhân liên quan đến bão số 3.
Nguy kịch tính mạng vì trèo khắc phục mái nhà bị tốc cho hàng xóm
Đa phần các bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Việt Đức từ các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, trong đó có cả từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Sơn La...
TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, kíp trực cấp cứu vẫn tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt, chấn thương do khắc phục sự cố, hậu quả sau bão.
Đầu giờ chiều 9/9, anh Đinh Văn Thích được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức từ Trung tâm Y tế huyện Bắc Yên - Sơn La trong tình trạng gẫy xương gần khớp gối do ngã xe máy khi lưu thông trên đường vào sáng 8/9.
Theo lời kể của anh Thích, khi đang đi trên đường thuộc khu vực xã Hang Đồng, huyện Bắc Yên thì thấy có sạt lở, trong lúc tránh đá to trên đường, không may bánh xe trước của anh đã 'sa' vào cống thoát nước ven đường. Lúc này cả người và xe đều ngã và chân anh Thích đã không thể cử động. Do trời mưa nên đoạn đường này mãi mới có người qua lại và đã đưa anh vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện.
Sau khi được sơ cứu, gia đình đã xin chuyển đưa anh Thích xuống Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật gẫy xương chân.
Trước đó ngày 8/9, Bệnh viện này tiếp nhận 180 ca cấp cứu thì có đến 74 ca liên quan hậu mưa bão, do người dân sửa nhà bị tốc mái; chặt dọn cây đổ sau mưa bão, trơn trợt bị ngã... trong đó, có những ca chấn thương sọ não, vỡ đại tràng nguy kịch.
"Số ca liên quan đến hậu bão số 3 tăng gấp 5 lần so với ngày xảy ra bão (7/9), phần lớn đều chuyển từ tuyến dưới lên. Chúng tôi được biết tuyến dưới cũng trong tình trạng quá tải, nhưng vì di chuyển khó khăn nên không thể chuyển bệnh nhân ngay trong ngày"- TS Kiên nói.
Như trường hợp người đàn ông 67 tuổi ở Bắc Giang giúp hàng xóm sửa mái nhà bị tốc sau bão đã bị ngã từ cao xuống, tai nạn xảy ra chiều 7/9, nhưng do mưa bão đi lại khó khăn, đến trưa 8/8, bệnh nhân mới được đưa đến Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân được mổ ngay sau đó, nhưng tình trạng vỡ đại tràng gây nhiễm khuẩn, nguy kịch. Bệnh nhân hiện vẫn thở máy.
Hay có trường hợp người đàn ông khi dọn dẹp cây đổ sau bão, lưỡi cưa văng vào chân gây chấn thương nghiêm trọng.
Trước đó nữa, trong 2 ngày 6-7/9, tua trực của Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận và điều trị 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động, cụ thể trong đó có 1 trường hợp do cây đổ đè xuống người gây chấn thương sọ não; 2 trường hợp chấn thương chi, chấn thương sọ não do tường và kính vỡ đổ vào người cùng gần 10 trường hợp tai nạn ô tô, xe máy khi đang tham gia giao thông "vượt bão về nhà".
Kíp trực đã nỗ lực cấp cứu người bệnh trong cơn bão nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ trong tình huống khẩn cấp. Việc cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tổn thương thêm, duy trì quá trình điều trị liên tục, đồng thời giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề do thiên tai gây ra. Đây cũng là trách nhiệm y tế quan trọng của bệnh viện, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm nguy hiểm.
Quá tải vì phải giữ bệnh nhân ở lại tránh bão
Chia sẻ trên trang thông tin cá nhân, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1 cho biết, khoa cũng trong tình trạng quá tải. Đến sáng 9/9, khoa có gần 130 bệnh nhân, tăng 150% so với số giường có thể tiếp nhận được, nhân viên phải xếp giường cáng kín lối đi hành lang tại khoa.
Theo PGS Khánh thông tin: Quá tải nghiêm trọng, là do ông không cho bệnh nhân ra viện trong 2 ngày cuối tuần vừa rồi.
"Vẫn biết với số người bệnh đông như vậy, gia đình và bệnh nhân rất dễ bức xúc, trong khi nhân viên y tế rất vất vả khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Nhưng cho người bệnh ra viện trong lúc trước, trong và sau bão, đi đường rất nguy hiểm, chưa kể tìm thuê được xe là rất khó khăn, chi phí lại tăng cao. Nếu không về được thì gia đình lại phải thuê chỗ nghỉ tạm rồi thì ăn uống, chăm sóc trong mấy ngày mưa bão thế nào…"- PGS Mạnh Khánh chia sẻ và nói thêm: Dù có hơi chật chội nhưng người bệnh vẫn được chăm sóc y tế đầy đủ, ngày 3 bữa cơm ấm nóng phục vụ tại giường, mọi người cùng nhau vui vẻ chia sẻ khó khăn…
Theo TS Kiên, sau khi có những thông tin đầu tiên về siêu bão YAGI, Bệnh viện Việt Đức đã chủ động xây dựng một kế hoạch phòng chống bão toàn diện, chi tiết với nhiều phương án dự phòng nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
Ngay từ khi nhận được thông tin về siêu bão sắp đổ bộ, các đơn vị nội viện liên quan đã phối hợp chặt chẽ để kiểm tra, gia cố các khu vực trọng yếu như khu vực phòng khám cấp cứu, khoa hồi sức tích cực, phòng mổ, các tầng hầm và các kho lưu trữ thuốc, trang thiết bị y tế…
Hệ thống điện, nước cùng cơ sở vật chất được kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo không có gián đoạn nào trong quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân: rà soát liên tục đường điện và cố định hệ thống dây điện gọn gàng, đảm bảo không gây nguy hiểm, chập cháy trong quá trình cơn bão đi qua; Kiểm tra và bảo trì hệ thống cấp thoát nước tránh gây ngập úng.
Ngoài công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, bệnh viện chú trọng đặc biệt tới công tác chuyên môn, sắp xếp tua trực 24/24 bao gồm đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên y tế với phân công nhiệm vụ cụ thể, thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, đảm bảo sẵn sàng xử lý bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Song song đó, Bệnh viện Việt Đức đã thành lập Ban điều hành và các tổ y tế lưu động ứng phó bão do TS.BS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng ban, 8 tổ y tế lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, lái xe thuộc bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở y tế lân cận và các bệnh viện tuyến dưới trong công tác cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh… để kịp thời ứng phó với mưa bão.
Tất cả các biện pháp này được thực hiện với mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người bệnh và duy trì hoạt động y tế trong điều kiện khó khăn, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.