Nhiều người ở phía Nam ngại sinh con vì áp lực đô thị hóa, kinh tế và nhà ở

Tổng tỷ suất sinh năm 2023 ở nước ta chỉ là 1,96 con/1 phụ nữ và khi mức sinh tiếp tục giảm thấp, kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số, để lại nhiều hệ lụy tới đời sống kinh tế- xã hội

Ngày 28-8, tại hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Bộ Y tế tổ chức, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cho biết hiện nay mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/1 phụ nữ, là mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, ĐBSCL có số con trung bình là 1,54 con/1 phụ nữ và Đông Nam bộ là 1,47 con, đều thấp dưới mức sinh thay thế (2,1 con/1 phụ nữ).

 Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước. Đa số là những tỉnh, thành nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

"Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước", ông Lê Thanh Dũng nhấn mạnh.

Làm rõ thêm, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, tuổi kết hôn trung bình lần đầu ở nước ta đang thay đổi theo hướng kết hôn muộn hơn. Năm 1999, tuổi kết hôn lần đầu trung bình là từ 24,1 tuổi; đến năm 2019, tăng lên 25,2 tuổi. Sau 4 năm, đến năm 2023, tuổi kết hôn lần đầu tiếp tục tăng thêm 2 tuổi và hiện là 27,2 tuổi.

Cùng với đó, phụ nữ ở thành thị sinh con muộn và sinh con ít hơn phụ nữ ở khu vực nông thôn. Số liệu năm 2023 cũng cho thấy, người giàu nhất có mức sinh trung bình là 2 con, người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình đẻ từ 2,03 đến 2,07 con. Người có trình độ học vấn dưới tiểu học trung bình sinh tới 2,35 con, còn người có trình độ trên phổ thông trung học chỉ đẻ 1,98 con.

 Mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng tới quy mô và cơ cấu dân số

Mức sinh thấp sẽ ảnh hưởng tới quy mô và cơ cấu dân số

Lý giải về mức sinh ngày càng giảm, ông Phạm Vũ Hoàng cho rằng do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con gia tăng. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở có nhiều bất cập như: thiếu trường học, học phí, viện phí cao...

“Nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến năm 2054 -2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh. Đồng thời sẽ kéo theo các gánh nặng khác như người lệ thuộc quá nhiều, gia đình mô hình 4-2-1 (4 ông bà, 2 bố mẹ - 1 con) khiến việc nuôi dạy con khó khăn hơn, an sinh xã hội nhiều gánh nặng hơn", ông Phạm Vũ Hoàng cảnh báo.

QUỐC LẬP

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-nguoi-o-phia-nam-ngai-sinh-con-vi-ap-luc-do-thi-hoa-kinh-te-va-nha-o-post756103.html