Nhiều người rải bừa gạo và muối sau khi cúng mà không biết làm thế tự rước xui xẻo, hao hụt vận may của mình

Theo phong thủy, vẩy, rắc gạo và muối sau khi cúng không đúng chỗ, thậm chí đổ bừa ra đường là gia chủ tự rước xui xẻo, hao hụt vận may... của mình.

Gạo và muối cúng xong nên làm thế nào?

Dịp cúng giỗ, mùng Một, Rằm, lễ tết… nhiều nhà cúng gạo và muối xong đã rắc bừa xuống đường mà không biết đã vô tình làm mất lộc tài, hao hụt may mắn cho mình và người thân.

Cách rải gạo và muối sau lễ cúng tùy vùng miền mà làm khác nhau. Có nơi cho đó là cách cho các chúng sinh thụ hưởng của người xưa. Có người mỗi dịp đi lễ bái, du xuân hí hứng đem theo những túi gạo và muối màu đỏ bắt mắt từ chùa về và cho đó là được thánh thần ban may mắn, tài lộc… nên cất tới hỏng mới bỏ đi. Có nơi cúng gạo và muối xong sẽ nấu ăn như bình thường. Có nơi cho gạo và muối sau khi cúng đã bị "lạnh" nên đã đốt cùng vàng mã vừa gọn nhà, vừa để lấy may mắn, tốt lành cho gia chủ.

Một số nhà theo quan niệm dân gian cho gạo và muối cúng tại gia xong đã trở thành "lộc" nên có thể ăn - nhưng việc này theo các chuyên gia chỉ nên áp dụng cho gạo và muối cúng tổ tiên trong gia đình dòng họ. Còn hầu hết người dân cúng gạo và muối xong sẽ rải xung quanh phía ngoài nhà mình. Nhưng khá nhiều người đã mắc phải sai lầm khi rải gạo và muối, vô tình làm mất lộc, hao hụt may mắn, tài vận của mình và người thân.

Vậy gạo và muối sau khi cúng phải cất giữ ở vị trí phong thủy nào trong nhà, hay làm thế nào để không bị phạm?

Có người đi lễ bái đem những túi gạo và muối về cất tới hỏng mới bỏ đi. Ảnh internet

Có người đi lễ bái đem những túi gạo và muối về cất tới hỏng mới bỏ đi. Ảnh internet

Chọn gạo và muối chất lượng tốt để cúng lễ

Gạo và muối cúng lễ không được chọn qua loa, đại khái. Việc chọn gạo và muối cúng thể hiện tâm và tấm lòng mỗi người nên cần chú ý chọn loại chất lượng tốt.

- Gạo cúng cần mới và thơm, không bị lẫn trấu, cỏ, hay bị ẩm mốc. Nếu là gạo mới thu hoạch càng tốt.

- Muối phải trắng sạch, không lẫn tạp chất, chưa bị biến màu.

- Tuyệt đối không sử dụng lại gạo và muối đã được dùng trước đó.

Cách rắc gạo và muối trong một số lễ cúng

Theo Chuyên gia phong thủy Hà Thanh, gạo và muối sau khi cúng không nên rải bừa - bởi mục đích là bố thí cho các vong linh. Do đó, gia chủ nên rải ven tường, gốc cây... phía ngoài nhà. Vừa rải, vừa niệm Phật để xua đi những thứ không sạch sẽ ra khỏi nhà, văn phòng công sở, nơi làm ăn buôn bán... Theo dân gian, mỗi dịp cúng lễ có thể xử lý gạo và muối như sau:

Xử lý gạo và muối sau cúng giỗ

Mỗi dịp cúng giỗ Gia tiên, gạo và muối thường được đặt vào bàn lễ, cùng với vàng mã, trầu cau, hoa quả, đồ chay/ mặn tùy đặc trưng vùng miền. Sau lễ cúng giỗ có thể xử lý gạo và muối đã cúng như sau:

- Vì là các vật phẩm cúng Gia tiên trong nhà nên có thể dùng lại gạo và muối đã cúng.

- Hoặc đem đĩa gạo và muối ra ngoài, hóa cùng vàng mã - nhằm xua đi năng lượng xấu, không cho bất cứ thứ gì ở lại làm ảnh hưởng tới cuộc sống của gia chủ.

Gạo và muối cúng lễ cần chọn loại chất lượng tốt. Ảnh internet

Gạo và muối cúng lễ cần chọn loại chất lượng tốt. Ảnh internet

Xử lý gạo và muối sau lễ cúng Táo quân

Cuối năm, một số gia đình có cúng gạo và muối trong lễ cúng Táo quân. Với gạo và muối cúng này gia chủ có thể rắc xung quanh phía ngoài nhà để xua đi năng lượng xấu.

Ngoài ra, còn có quan niệm giữ lại số gạo và muối cúng Táo quân trong nhà, vì coi đó là "lộc", mang về tài lộc, may mắn, tốt lành cho gia chủ (nhưng việc này tùy tín ngưỡng gia đình, vùng miền).

Gạo và muối sau lễ cúng Giao thừa

Lễ cúng Giao thừa (còn gọi là lễ Trừ tịch), là lễ cúng quan trọng nhất đón năm mới và kết thúc năm cũ. Trên mâm lễ, một số gia đình có dâng cúng gạo và muối để cầu xin trời đất phù hộ cho năm mới sức khỏe dồi dào, bình an, may mắn, đón nhiều phúc khí... thể hiện lòng thành kính đón Tổ tiên về nhà ăn Tết.

Theo các chuyên gia phong thủy, gạo và muối sau lễ cúng Giao thừa gia chủ nên rắc xung quanh phía ngoài nhà để bố thí cho các chúng sinh.

Gạo và muối cúng Táo quân xong rắc xung quanh phía ngoài nhà để xua đi năng lượng xấu. Ảnh internet.

Gạo và muối cúng Táo quân xong rắc xung quanh phía ngoài nhà để xua đi năng lượng xấu. Ảnh internet.

Gạo và muối cúng Thần Tài

Hũ gạo và muối cúng Thần Tài xong nên giữ lại, đặt ở góc trong của bàn thờ Thần Tài - nhằm giúp gia chủ nghênh tài lộc, giúp Thần Tài độ cho công việc kinh doanh, buôn bán gặp nhiều may mắn, phát đạt. Khi thấy chất lượng gạo và muối giảm thì nên thay mới.

Nếu là gạo và muối cúng trong ngày vía Thần Tài cần rải trước cửa nhà – có ý xua đi năng lượng xấu, đón thuận lợi, may mắn… mới tốt cho việc làm ăn, kinh doanh của gia chủ.

Gạo và muối sau lễ cúng chúng sinh

Lễ cúng chúng sinh, lễ cúng cô hồn (tháng 7 âm lịch) gạo và muối không thể thiếu trong các mâm lễ - nhằm bố thí cho các linh hồn lang thang, không người cúng lễ.

Các chuyên gia khuyên nên dùng gạo và muối rải quanh phía ngoài nhà, vãi theo nhiều hướng. Gia chủ nên đứng từ trong nhà tung gạo và muối ra, tuyệt đối không tung những vật phẩm đó vào nhà.

Gạo muối dùng trong lễ cúng mụ đầy tháng cho trẻ sơ sinh

Mâm cúng đầy tháng cho trẻ sơ sinh có rất nhiều lễ vật, nhưng không thể thiếu gạo và muối. Theo đó, sau khi kết thúc lễ cúng mụ, các gia chủ tiến hành rải gạo và muối phía ngoài nhà. Người thực hiện việc này vừa rải vừa niệm Phật cầu mong thế giới tâm linh trao điềm lành đến, mang điều dữ đi.

Rải gạo và muối xong mới đốt vàng mã, giấy cúng, bộ hài xanh… và lời cầu nguyện cho bé hay ăn chóng lớn, nhận được phúc ấm, phước lành, điềm may...

Không nên rải gạo và muối này trong nhà, vì có thể dẫn năng lượng xấu vào nhà, không tốt cho em bé và những thành viên sống trong gia đình.

Gạo và muối cúng trong lễ khai trương, động thổ

Người xưa cho rằng, gạo muối là 2 vật phẩm đại diện cho sự may mắn, sức khỏe và tài lộc, xua đi năng lượng xấu… Vì vậy, gạo và muối cũng không thể thiếu trong lễ cúng khai trương, hay động thổ.

Sau lễ cúng, gạo và muối cũng được rắc ra ngoài đường, với tâm ý gia chủ cầu mong buôn bán may mắn, phát đạt. Hoặc việc động thổ, xây dựng được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

Vẫn còn nhiều tranh luận xung quanh việc xử lý gạo và muối. Do đó, tùy mỗi nhà, mỗi vùng miền mà gia chủ chọn cách làm phù hợp. Chú ý nơi rải gạo và muối nên ở ngoài khuôn viên nhà (nhà có cổng thì rải bên ngoài cổng), vừa rải vừa niệm "Nam mô A di đà Phật" cầu mong điều lành đến, điều dữ đi... Quan trọng là tâm ý gia chủ luôn thành kính cúng bái sẽ được nhận lại những điều tốt đẹp. Chú ý tránh các kiêng kị để khóa cúng lễ thuận lợi, hiệu quả, đúng tín ngưỡng địa phương.

* Thông tin mang tính chất tham khảo.

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-rai-bua-gao-va-muoi-sau-khi-cung-ma-khong-biet-lam-the-tu-ruoc-xui-xeo-hao-hut-van-may-cua-minh-172240926182431625.htm