Nhiều người trẻ đột quỵ, chuyên gia khuyến cáo gì?
Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ, trong đó nhiều người ở độ tuổi 32-45.
Nhiều ca bệnh còn rất trẻ
Chị V.T.H (42 tuổi, Yên Bái) vào viện vì đau đầu, tê yếu nửa người trái. Vốn mắc đái tháo đường nhiều năm và đã điều trị huyết khối tĩnh mạch chi dưới vào tháng 8/2023 nhưng chưa tái khám.
Tại đây, kết quả MRI não cho thấy huyết khối nhiều ở tĩnh mạch não; siêu âm chi dưới có huyết khối toàn bộ tĩnh mạch chân bên phải và đoạn huyết khối dài ở chân trái.
Các bác sĩ chỉ định dùng thuốc thuốc theo phác đồ chống đông và tìm nguyên nhân tăng đông. May mắn dù huyết khối nhiều trong tĩnh mạch não nhưng bệnh nhân chưa có biến chứng chảy máu não, do vậy việc điều trị khá thuận lợi.
Với triệu chứng liệt nửa người, nói ngọng, một nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Hưng Yên được đưa tới Trung tâm Đột quỵ, ngay lập tức báo động đỏ của Trung tâm khởi động. Nữ bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não cấp do tắc mạch cảnh giờ thứ 1.
Trong 35 phút kể từ khi nhập viện, các bác sĩ cho dùng thuốc tiêu huyết khối, đồng thời chuyển đi can thiệp. Bệnh nhân được tái thông mạch máu bằng phương pháp đặt stent nội sọ và Solumbra. Sau can thiệp tình trạng sức khỏe của bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Cùng thời điểm, một nam bệnh nhân 32 tuổi được người bạn đưa vào cấp cứu. Được biết, khi đang chơi cầu lông thì nam thanh niên này đột ngột liệt nửa người và thất ngôn.
Bệnh nhân nhanh chóng được chẩn đoán nhồi máu não giờ thứ 1 do tắc động mạch não giữa, chỉ định dùng thuốc tiêu huyết khối, can thiệp tái thông mạch máu. Nhờ đến sớm, can thiệp kịp thời, nam bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn…
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, đây là 3 trong 6 ca đột quỵ được các bác sĩ tại Trung tâm tiếp nhận và xử trong trong 1 đêm trực.
Họ đều là những người tuổi còn trẻ, nhiều nhất là 45 tuổi và trẻ nhất là 32 tuổi. Trong 6 ca cấp cứu, có 4 ca đột quỵ được tái thông hiệu quả, có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường.
Trước thực trạng gia tăng đột quỵ tại nhóm người trẻ, PGS.Mai Duy Tôn khuyến cáo biện pháp để người trẻ giảm mắc đột quỵ. Đầu tiên, người trẻ cần thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.
Bên cạnh đó, cần tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quy: Tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường... Ngoài ra, khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ. (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng/nói khó, đau đầu, chóng mặt...) cần đưa người bệnh đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Cũng theo PGS Mai Duy Tôn, tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Vì vậy, để giảm tỷ lệ đó, khuyến khích bệnh nhân quay trở lại với lối sống bình thường như trước khi bị đột quỵ não. Người bệnh nên hoạt động thể chất, tình dục và quay trở lại làm việc nếu có thể.
Tận dụng thời gian vàng
Bác sĩ Phan Tuấn Trọng, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), “thời gian vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ là trong tầm 3-4 giờ đầu sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên và được cấp cứu bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch;
Hoặc trong 24 giờ đầu với phương pháp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (tùy thuộc vùng não tổn thương) đối với các bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu não.
Giới chuyên môn cảnh báo, sai lầm phổ biến trong sơ cứu đột quỵ là để người bệnh nằm ở nhà nghỉ ngơi, chờ đợi cơ thể tự hồi phục thay vì đưa ngay tới bệnh viện.
Nhiều trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc Đông y... Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, bởi bệnh nhân đột quỵ thường bị khó thở, rối loạn nuốt. Ăn uống trong lúc này có thể gây sặc, nghẹn, suy hô hấp nặng hơn.
Thông thường, khi thấy ai lăn ra bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì tức tốc chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất.
Hiện vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như cạo gió, cúng bái; uống thuốc theo truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại…
Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách và kịp thời, gây nhiều hậu quả đáng tiếc” đại diện Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.
Trong khi đó, đột quỵ hoàn toàn có thể dự phòng sớm được, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ như bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi. Người dân chỉ cần thay đổi lối sống cũng có thể giảm khả năng bị đột quỵ.
Còn Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ não Hoa Kỳ đã đưa ra khuyến nghị, chế độ ăn nhiều rau và trái cây; chọn thực phẩm nguyên hạt, nhiều chất xơ; giảm thịt trong bữa ăn sao cho ít nhất 50% khẩu phần ăn là trái cây và rau quả; 25% là ngũ cốc giàu chất xơ. Ăn cá ít nhất 2 lần/tuần và chọn cá giàu omega 3 như cá hồi hoặc cá ngừ.
Hạn chế cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; Chọn thịt nạc, thịt gia cầm và không sử dụng chất béo bão hóa hoặc chất béo chuyển hóa khi chế biến; Tránh đồ uống và thực phẩm có thêm đường; Chọn lựa, chuẩn bị thực phẩm với gia vị cùng hỗn hợp gia vị không có muối hoặc hạn chế muối.
Cần lưu ý việc hạn chế rượu bia tối đa vì nó có thể tương tác bất lợi với một số thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng để ngăn ngừa tái phát đột quỵ não (ví dụ như warfarin). Lạm dụng rượu bia sẽ gây tăng huyết áp, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ não tái phát.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-nguoi-tre-dot-quy-chuyen-gia-khuyen-cao-gi-d211982.html