Nhiều người trẻ mắc lao phổi, nếu không điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm
Theo các bác sĩ tình trạng người trẻ mắc lao phổi đang có dấu hiệu tăng.
Thực trạng đáng lo
Em N.T.A. (20 tuổi, ở Hà Nội) tìm đến khám tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do gần 1 tháng trở lại đây luôn trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân nhanh, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm về đêm, ho có đờm…
Tại Bệnh viện, A. được chẩn đoán lao phổi có tổn thương thâm nhiễm phá hủy hang. Qua gần 3 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của A. ổn định, hết sốt, không còn mệt mỏi, được điều trị ngoại trú.
Không có dấu hiệu rõ ràng như A., chị N.M.H. (24 tuổi, Hà Nội) vô tình phát hiện tổn thương đỉnh phổi trong lần khám sức khỏe định kỳ.
Bác sĩ nghi ngờ do lao nên chỉ định chị làm xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao, tuy nhiên, vì chị không ho, không khạc được đờm nên xét nghiệm âm tính, khi đó bác sĩ chẩn đoán viêm phổi và kê thuốc uống.
Tuy nhiên, 2 tháng sau, chị thấy đau ngực, sốt và tìm đến bệnh viện khám lại. Kết quả chụp cắt lớp phổi, phát hiện tổn thương đỉnh phổi trái kèm tràn dịch màng phổi trái.
Chị được lấy mẫu dịch, xét nghiệm phát hiện thấy vi khuẩn lao. Lúc này chị được chẩn đoán cùng lúc lao phổi và tràn dịch màng phổi do lao. Chị được điều trị thuốc chống lao đặc hiệu.
Điều đáng nói, với hai bệnh nhân trên, trong gia đình đều không có thành viên nào mắc bệnh lao phổi.
TS. Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều người bệnh trẻ tuổi mắc lao phổi.
Lý do có thể do môi trường làm việc không đảm bảo, tập trung đông người trong một không gian hẹp, kín, nhiệt độ ẩm thấp. Đây là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh. Bên cạnh đó, lối sống, ăn uống, vận động không khoa học làm giảm sức đề kháng khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh.
Còn theo PGS.TS. Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lao phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả người khỏe mạnh.
Đặc biệt, nhóm tuổi từ 16-30 tuổi khi mắc lao là những người có nguy cơ lây truyền lao cao nhất. Thông thường lao phổi gây ho, khạc đờm, nhưng ở người trẻ có hệ miễn dịch tốt có thể không có triệu chứng lâm sàng, dẫn đến khó phát hiện. Đa phần bệnh nhân chỉ phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ.
“Lao phổi nếu không phát hiện, điều trị sớm sẽ rất nguy hiểm, thậm chí gây tử vong... Điều trị giai đoạn muộn khó khăn và có thể kéo dài nhiều tháng. Người bệnh có thể phải điều trị nhiều năm do tổn thương nặng nề ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, nguy cơ kháng thuốc”, PGS. Hạnh cho biết.
Cảnh báo về lao phổi ở trẻ nhỏ, Ths. BS. Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tại bệnh viện, mỗi năm phát hiện và điều trị khoảng 70 - 80 ca bệnh lao, trong đó lao phổi, lao màng phổi chiếm 45%.
Hầu hết các trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và bệnh xảy ra trong vòng 2 năm sau tiếp xúc với nguồn bệnh. Tỷ lệ nhiễm lao cao ở những trẻ em phơi nhiễm.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sống trong gia đình có người bị lao cao hơn so với trẻ sống trong gia đình không mắc bệnh lao, nếu mẹ bị lao tỷ lệ tử vong tăng gấp 8 lần.
Bác sĩ Thảo cho hay, mới đây, Trung tâm tiếp nhận 1 ca bệnh 3 tuổi ở Hòa Bình, được gia đình đưa đến viện sau khi trẻ xuất hiện ho nhiều và co giật toàn thân kèm khó thở.
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán mắc bệnh lao toàn thể bao gồm lao phổi và lao màng não.
Được biết bố của em bé cũng được chẩn đoán mắc bệnh lao cách đây 1 năm và lây cho bé. Sau 3 tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, hết sốt, hết suy hô hấp.
Gánh nặng bệnh lao
Bệnh lao xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới và đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong 2 năm 2020 - 2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.
Trong số những người mắc lao thì có khoảng 95% là bệnh nhân lao thường và 5% bệnh nhân lao kháng thuốc. Về chi phí cho chẩn đoán và điều trị bệnh lao, có tới 63% trong số những bệnh nhân lao thường, 98% trong số những bệnh nhân lao kháng thuốc đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình.
Bên cạnh đó, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, vì vậy, lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Thực tế chương trình phòng chống lao quốc gia mới chỉ thống kê được khoảng 10 đến 15% số trẻ mắc lao mới do bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.
Có thể rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Hoặc không loại trừ có không ít trẻ mắc lao điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi… mà chưa được báo cáo với chương trình chống lao quốc gia.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia hiện có nhiều thách thức trong việc tăng cường phát hiện bệnh lao ở trẻ. Theo đó, chỉ khi trẻ đã có những dấu hiệu nặng như ho ra máu, sốt, sút cân kéo dài… gia đình mới nghĩ đến khả năng con mắc lao.
Ngoài ra, trong cộng đồng, một số trẻ đã nhiễm vi khuẩn lao nhưng vì có sức đề kháng tốt nên không tiến triển thành bệnh ngay lúc đó - hay còn gọi là lao tiềm ẩn. Trong trường hợp này, gia đình vẫn nên cho trẻ đi sàng lọc, điều trị lao tiềm ẩn ngay.
Ở các trẻ có triệu chứng (phần lớn là do không được điều trị thích hợp, tình trạng nhiễm trùng tiến triển), triệu chứng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Với bé ít tuổi, phổ biến là sốt, giảm cân, tăng trưởng kém, ho, sưng hạch, nhiễm lạnh.
Với bé lớn tuổi hơn, triệu chứng là ho kéo dài hơn 2 tuần, đau ở ngực, có máu trong đờm, ốm yếu mệt mỏi, sưng hạch, giảm cân, giảm cảm giác thèm ăn, sốt, đổ mồ hôi vào ban đêm, hay bị ớn lạnh.
Ở một số lượng rất nhỏ trẻ em (chủ yếu là những trẻ dưới bốn tuổi), bệnh lao có thể lây lan qua đường máu, ảnh hưởng đến hầu như bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.
Căn bệnh này đòi hỏi điều trị phức tạp hơn nhiều và bắt đầu điều trị càng sớm thì càng tốt. Những trẻ này có nhiều nguy cơ mắc bệnh lao màng não, một dạng bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh trung ương.
Dù nguy hiểm như vậy nhưng bệnh lao hoàn toàn có thể chữa trị dứt điểm. Hơn thế nữa, phòng bệnh hơn chữa bệnh, có thể dùng một số biện pháp đơn giản để ngăn ngừa bệnh lao ở trẻ em và cả gia đình, đó là nắm vững những điều cơ bản sau:
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Sapfo/Potec cho hay, tiêm vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi làm giảm nguy cơ mắc lao, bảo vệ trẻ em trước bệnh lao nặng. Tiêm vắc-xin là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa bệnh.
Vắc-xin BCG là loại vắc-xin được tiêm miễn phí tại toàn bộ cơ sở y tế các cấp, từ trung ương tới phường xã, thôn bản…, giúp các phụ huynh không phải đi xa.
Chỉ cần một mũi tiêm ở trạm y tế đã xây một lá chắn dự phòng cho con khỏi nhiễm lao và giúp cả gia đình phòng bệnh, tránh được các gánh nặng kinh tế khi con bị nhiễm.
Đồng thời, để giảm gánh nặng bện lao theo bác sĩ, cần nâng cao nhận thức của của bố mẹ và gia đình về bệnh lao ở trẻ em để nhận biết các dấu hiệu từ sớm, đi khám và điều trị kịp thời, thậm chí có thể thực hiện sàng lọc lao định kỳ để loại trừ nguy cơ bệnh.
Người lớn trong gia đình khi có biểu hiện ho mà chưa thể đi khám ngay thì cũng không nên ho, khạc đờm bừa bãi, tránh ho trước mặt trẻ để dự phòng lây vi khuẩn lao (nếu có) cho trẻ. Gia đình cần giữ môi trường ở thoáng khí, đủ ảnh nắng mặt trời và đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ.