Nhiều người tử vong do nhiễm khuẩn ở bệnh viện
Trung bình, 1 trong 10 người bệnh bị ảnh hưởng bởi nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ tử vong. Hằng năm, có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn kháng kháng sinh.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030 diễn ra ngày 10.4 tại Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị
Ths.Hà Thị Kim Phượng, Phòng Điều dưỡng - Tiết chế và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế) cho biết, dự báo đến năm 2050, gần 3,5 triệu người trên thế giới có thể tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện nhiễm khuẩn bệnh viện mỗi năm, gấp 4,4 lần so với tử vong do HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại.
Thống kê trên toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho thấy, năm 2022 100 người bệnh tại các bệnh viện chăm sóc cấp tính có 7 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập cao và 15 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mắc ít nhất một nhiễm khuẩn trong thời gian nằm viện.
Ước tính, có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn kháng kháng sinh.
“Dự báo đến năm 2050, gần 3,5 triệu người có thể tử vong do nhiễm khuẩn trả chi phơ mỗi năm, gấp 4,4 lần so với HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại (2021)”, Ths Phượng thông tin.
Trong khi đó, tỉ lệ nhiễm khuẩn Bệnh viện ở các nước đang phát triển cao gấp 3 lần so với các nước phát triển. Đồng thời, hệ thống y tế chịu áp lực lớn hơn do hạn chế về nguồn lực và kiểm soát nhiễm khuẩn .
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế, và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch Covid-19 đã qua khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác này, không chỉ trong phòng chống dịch mà còn trong công tác bảo vệ đội ngũ y tế và cộng đồng.
Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2025–2030. “Đây là tài liệu định hướng quan trọng, có tính chiến lược, nhằm đồng bộ hóa các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và các khuyến nghị của WHO.
Đây sẽ là kim chỉ nam quan trọng để các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước triển khai bài bản, đồng bộ và hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn”, Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030 đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, các cơ sở y tế, các đơn vị, địa phương phải đặc biệt xác định kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có tính nền tảng, gắn chặt với quản lý chất lượng và an toàn người bệnh.
Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn mà là trách nhiệm chung của toàn thể cán bộ y tế trong mỗi cơ sở khám, chữa bệnh.
Về phía WHO, Trưởng đại diện tại Việt Nam - TS. Angela Prat nhấn mạnh, kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm việc dịch vụ y tế ở bất kỳ quốc gia nào. Điều này giúp bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân trước bất kỳ dịch bệnh nào.
Do đó, những nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn ở bất kể cơ sở y tế nào dù công hay tư ở bất kể cấp độ nào đều vì lợi ích của cả hệ thống. Bà cũng đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh.