Tổng Bí thư Tô Lâm nói về 5 trọng tâm phát triển đất nước
Trong 5 trọng tâm có những từ khóa rất quan trọng như coi khoa học công nghệ là 'chìa khóa vàng' đưa đất nước phát triển, biến thể chế trở thành lợi thế cạnh tranh, phát triển kinh tế tư nhân...
Chiều 15-4, phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã chia sẻ về 5 trọng tâm phát triển đất nước trong tương lai.
Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành nghị quyết về kinh tế tư nhân
Thứ nhất là phải duy trì hòa bình, ổn định đất nước, khu vực và trên thế giới. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sau 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm thành lập nước, 40 năm đổi mới, chúng ta đã đủ thế và lực để tự tin, vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Trong bối cảnh hiện nay, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để xây dựng và phát triển đất nước là điều rất cần thiết. Nhiều thế hệ người Việt đã hy sinh xương máu để có hòa bình thì nhiệm vụ giữ gìn hòa bình ổn định hiện nay là vô cùng cần thiết. Hơn thế nữa, chúng ta còn cần có trách nhiệm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, để duy trì không gian sinh tồn của nhân dân ta, đất nước ta trong hoàn cảnh mới.
Tổng Bí thư chỉ rõ, để có hòa bình, ổn định thì ngoài tự chủ, vững vàng về kinh tế, chúng ta phải xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo chiến đấu và chiến thắng trong mọi hình thái chiến tranh, đặc biệt là chiến tranh công nghệ cao như hiện nay.
Đối với Quân đội nhân dân, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 17-1-2022 về Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã từng bước điều chỉnh cơ cấu tổ chức nhằm mục tiêu “tinh-gọn-mạnh”, giảm đầu mối trung gian, giảm quân số. Từ năm 2022 đến tháng 3-2025 đã điều chỉnh 2.890 tổ chức, trong đó giải thể 33 đầu mối, tổ chức lại biên chế 1.452 đầu mối, sáp nhập 1.200 đầu mối.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tiến hành sắp xếp cơ cấu các đơn vị cho phù hợp với mô hình tổ chức hành chính mới với mục tiêu đảm bảo thế trận quốc phòng vững chắc, đảm bảo chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống chiến tranh, là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền các cấp và nhân dân.
Trong khi đó, lực lượng Công an nhân dân sau 3 lần sắp xếp kể từ năm 2018 đến nay đã tinh gọn đáng kể, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được Đảng, Chính phủ đánh giá là đơn vị “gương mẫu đi đầu” trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Bộ Công an ngoài thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thì có nhiều đóng góp vào nhiệm vụ tham mưu chiến lược và phát triển kinh tế - xã hội, giữ yên bình, an toàn cho cuộc sống của từng người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Viết Thành
Thứ hai là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Về định hướng này, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, tuy kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục hàng chục năm qua, thường xuyên trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới, song qua đánh giá cho thấy, nguy cơ tụt hậu về kinh tế, rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn hiện hữu.
Để đẩy lùi nguy cơ này, quyết tâm hoàn thành hai mục tiêu 100 năm thì chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế. Trước mắt, năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8% và hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo. Tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Coi nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay.
“Bộ Chính trị cũng sẽ sớm ban hành Nghị quyết về kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế đất nước, để ai ai cũng có việc làm, mọi người đều hăng say lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội”, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh.
Giải quyết công việc “đúng vai, thuộc bài”
Thứ ba là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đối với định hướng này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận, trong bối cảnh cách mạng 4.0 hiện nay, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động, tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân. Đây là "chìa khóa vàng", đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư là Trưởng ban. Đảng ủy Chính phủ đang phối hợp với Đảng ủy Quốc hội thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và ban hành sớm văn bản hướng dẫn để các quy định mới sớm đi vào thực tiễn.
Thứ tư là tập trung cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng. Về định hướng trọng tâm này, đồng chí Tô Lâm cho biết, qua hơn 95 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo để nâng cao năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, cần khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Trong đó, một là cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác xây dựng “Đảng ta là đạo đức là văn minh” như Bác Hồ căn dặn, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao quyền rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, bảo đảm giải quyết công việc “đúng vai, thuộc bài”, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là đổi mới cách thức ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết, theo hướng ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện; được triển khai xuống từng chi bộ, đến từng đảng viên; xác định đúng và trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường phát triển của đất nước, của từng địa phương, bộ, ngành, có tầm nhìn, tính khoa học và thực tiễn, thiết thực và khả thi, tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân; tạo ra sự tự nhận thức, tự thấm nhuần, nhất là những quan điểm, chủ trương, giải pháp mới.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mạnh mẽ, không ngừng nghỉ gắn với bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung...

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Viết Thành
Biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh
Thứ năm là tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, qua tổng kết thực tiễn cho thấy, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn"; hiện đang từng bước tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc để tạo nền tảng phát triển; mục tiêu thời gian tới, phải biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng, ban hành pháp luật phải theo tình hình thực tiễn, không để tình trạng chờ luật, chờ cơ chế dẫn đến chậm trễ, mất cơ hội.
Đồng chí Tô Lâm chỉ rõ một số vấn đề chủ yếu để thực hiện yêu cầu trên là phải tập trung cải cách mạnh mẽ quy trình, chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển, xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, chi phí thấp, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong cải cách hành chính, khởi nghiệp, sáng tạo, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành các cơ quan, đơn vị, tổ chức của hệ thống chính trị, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm Trung ương tăng cường quản lý vĩ mô, giữ vai trò kiến tạo, phát triển, trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền...