Nhiều người vẫn gặp khó khăn khi tái hòa nhập thị trường lao động
Theo con số về công tác hỗ trợ, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tháng 4/2025 mới được Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đưa ra, Trung tâm tiếp nhận 7.297 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN (tăng 2,3 nghìn trường hợp so với tháng trước và tăng 816 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).
Theo đánh giá của Trung tâm, đây là mức tăng mạnh và số lao động làm hồ sơ đăng ký nhận BHTN tăng đã phản ánh thực tế một bộ phận lao động vẫn gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập thị trường lao động.
Thất nghiệp cao nhất ở lao động trẻ
Theo con số của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 4, đơn vị này đã thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 6.175 trường hợp (tăng 1.740 hồ sơ so với tháng trước và tăng 727 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2024) với số tiền hỗ trợ 223,6 tỷ đồng. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tháng 4/2025 tăng đáng kể so với hai tháng trước đó. Cụ thể, so với tháng 3/2025, tăng khoảng 19%, là mức tăng mạnh, phản ánh thực tế rằng, một bộ phận lao động sau Tết vẫn gặp khó khăn trong quá trình tái hòa nhập thị trường lao động.
Trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin trên 6.000 hồ sơ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm, nhóm lao động trẻ từ 25 - 34 tuổi và nhóm 35 - 54 tuổi đều có tỷ lệ thất nghiệp cao và có xu hướng tăng. Nhóm tuổi 25 - 34 chiếm tỷ lệ 44,16% trong tháng 4/2025 (tăng 42,79% so với tháng trước) và tiếp tục xu hướng tăng từ đầu năm. Điều này một lần nữa khẳng định nhóm lao động trẻ vẫn là một trong những nhóm có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất. Đáng chú ý, nhóm 35 - 54 tuổi chiếm tỷ lệ 43,69% trong tháng 4 (giảm nhẹ so với 46,26% của tháng trước) nhưng vẫn ở mức cao. Sự biến động này cho thấy cả lao động trẻ và lao động ở độ tuổi trưởng thành đều đang gặp khó khăn trong ổn định việc làm.
Lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (CMKT) tiếp tục tăng rất cao. Đây tiếp tục là điểm đáng báo động nhất trong tháng 4. Tỷ lệ lao động không có CMKT tiếp tục tăng mạnh lên 61,98%, cao hơn đáng kể so với 56,85% của tháng 3 trước đó. Sự gia tăng liên tục và ở mức độ cao này cho thấy nhóm lao động phổ thông đang đối mặt với thách thức cực kỳ lớn và là nhóm dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động hiện tại, có thể do yêu cầu kỹ năng ngày càng cao từ phía doanh nghiệp.
Về nguyên nhân thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá là do hết hạn hợp đồng hoặc hai bên không thỏa thuận được, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp thu hẹp, giải thể hoặc bị xử lý kỷ luật, sa thải. Bên cạnh đó, một số ngành nghề có nguy cơ thất nghiệp cao dựa trên tỷ trọng lao động hưởng BHTN gồm: Công nghệ thông tin - Viễn thông; Dệt may - Giày da - Dệt nhuộm; Tài chính - Ngân hàng - Kế toán - Kiểm toán. Bên cạnh việc giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm cũng đã tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho trên 3,6 nghìn người lao động, hỗ trợ học nghề cho 93 người với số tiền 359,2 triệu đồng.
“Chính sách BHTN đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp và hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề, giúp người lao động sớm trở lại thị trường”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết.

Người lao động, ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp nên tham gia học nghề để sớm trở lại thị trường lao động.
Nhiều băn khoăn khi trợ cấp thất nghiệp thấp
Mặc dù BHTN được xem như “phao cứu sinh” của người lao động, tuy nhiên hiện nay đang có không ít băn khoăn khi mức trợ cấp thấp nghiệp vẫn còn thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế với số tiền trợ cấp ít ỏi, người lao động không đủ trang trải mức sống tối thiểu. Theo Luật Việc làm, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thất nghiệp. Mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng. Nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chỉ đóng BHXH cho người lao động dựa trên mức lương tối thiểu vùng, mức thấp nhất theo quy định của pháp luật. Cho nên, với một người lao động, mức thu nhập thực tế đạt 10 triệu đồng/tháng, nhưng doanh nghiệp chỉ đóng BHXH dựa trên mức lương tối thiểu vùng, khi rơi vào cảnh mất việc, người lao động nhận về mức trợ cấp không đủ sống.
Xung quanh câu chuyện này, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho hay, chính sách BHTN được triển khai từ năm 2009. Sau hơn 16 năm, qua 2 giai đoạn, chính sách ngày càng thể hiện sự ưu việt, mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Bộ Nội vụ hiện đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan để triển khai sâu rộng chính sách BHTN đến các đối tượng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động thụ hưởng chính sách. Hiện nay, người lao động không cần đến tận nơi nộp hồ sơ mà có thể thực hiện thủ tục đề nghị hưởng BHTN online trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
“Quỹ BHTN hoạt động dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng. Người lao động đóng nhiều thì hưởng nhiều, do đó việc xác định mức đóng và mức hưởng phải dựa trên sự cân đối của quỹ. Chúng ta đang hướng tới việc đóng BHTN dựa trên thu nhập thực tế, nhưng hiện tại, mức đóng chủ yếu dựa trên tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (thường liên quan đến lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp lương) nên bình quân tiền lương làm cơ sở đóng quỹ còn thấp”, ông Tú phân tích và cho rằng, trong xây dựng chính sách, điều tối kỵ là cắt giảm quyền lợi hiện có của người tham gia, đồng thời lại gia tăng các nghĩa vụ hoặc quy định ràng buộc đối với họ. Tuy nhiên hiện nay, nếu không tăng mức đóng mà lại muốn tăng mức hưởng thì không khả thi.