Nhiều nhà dân, cơ quan ở Quảng Ngãi xuất hiện vết nứt, hư hỏng do động đất
Nhiều nhà cửa của người dân, cơ quan một số đơn vị ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bị nứt, hư hỏng do trận động đất xảy ra tại khu vực các tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi. Ba ngày sau vụ động đất lớn, người dân vẫn lo lắng nếu có tiếp tục xảy ra động đất trong thời gian tới.
Dù vụ động đất xảy ra đã ba ngày qua nhưng gia đình anh Đinh Văn T. ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây vẫn lo lắng, bất an. Sau trận động đất, căn nhà của anh T. xuất hiện vết nứt kéo dài hơn 40cm từ mái tôn xuống tường nhà.
Anh T. cho biết, căn nhà nhỏ vừa xây mới làm nơi ở, buôn bán của gia đình bị nứt và có nguy cơ tiếp tục hư hỏng nếu động đất xảy ra.
“Tôi lo lắm vì mới xây mà nứt vậy thì sẽ còn nứt nữa. Tôi cũng chưa biết sửa như thế nào, mong là không còn động đất mạnh như vừa rồi nữa”, anh T. chia sẻ.
Trước đó, trong hai ngày 28 và 29/7 liên tục xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, địa phương giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi. Trận động đất xảy ra lúc 11 giờ 35 phút ngày 28/7 có cường độ 5,0 độ richter, dư chấn của động đất này đã gây rung lắc trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Theo nhiều người dân, cán bộ ở các cơ quan, đơn vị ở huyện Sơn Tây, vụ động đất rung chấn mạnh khiến nhiều người bỏ chạy ra khỏi nhà, ra khỏi cơ quan, phòng làm việc vì lo sợ.
“Lúc đó, anh em chúng tôi đang trong phòng làm việc thấy rung lắc mạnh bỏ chạy ra ngoài sân vì sợ sập phòng làm việc. Có hôm rung lắc ly, tách trên bàn cũng rơi xuống đất. Trận động đất mới đây là mạnh nhất”, anh H. cán bộ xã Sơn Dung lo lắng.
Tại trụ sở cũ của Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây, nay là nơi làm việc của các cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tây cũng xuất hiện nứt tường, hư hỏng sau trận động đất. Tại một số phòng, ban làm việc của cán bộ, công chức, các cơ quan đoàn thể, xuất hiện vết nứt kéo dài từ cửa ra vào lên mảng tường một số phòng làm việc. Tại một số khu vực, vết nứt rộng, kéo dài xuất hiện phía trên trần nhà làm việc lộ khối gạch phía bên trong.
“Khu nhà này xây dựng lâu rồi giờ động đất mạnh nên vết nứt và hư hỏng nhiều hơn. Ở đây có 17 cán bộ, nhân viên các hội đoàn thể của huyện làm việc thường xuyên nên chúng tôi cũng lo. Hy vọng là không còn trận động đất nào mạnh như trận vừa rồi”, một cán bộ cho biết.
Nhiều năm qua, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên xảy ra động đất và chịu ảnh hưởng từ các vụ động đất ở tỉnh Kon Tum và trong khu vực. Huyện Sơn Tây cũng là “điểm nóng”, nơi thường xuyên xảy ra sạt lở đất của tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, động đất mạnh đã khiến nhiều nhà cửa người dân ở các xã Sơn Long, Sơn Dung, Sơn Mùa… xuất hiện nhiều vết nứt, bị hư hỏng. “Ở đây là vùng thường xuyên bị sạt lở, khu dân cư, nhà dân nằm ở vùng núi nguy cơ sạt lở lớn, sụt lún núi, đất nữa. Nếu không có biện pháp cảnh báo, gia cố, sửa chữa nhà cho bà con thì động đất nữa rất lo”, cán bộ huyện Sơn Tây cho biết.
Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với tình hình động đất ảnh hưởng đến địa phương. Trong đó, tập trung thông tin kịp thời về động đất và dư chấn; hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trong vùng ảnh hưởng, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với người dân tại các huyện miền núi và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị hư hại nặng không đảm bảo an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ dân và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu.