Nhiều nhà đầu tư chùn bước trước luật IPO mới của Trung Quốc
Không ít nhà đầu tư có thể sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn về việc đầu tư vào các công ty startup công nghệ của Trung Quốc, trong bối cảnh chính phủ nước này siết chặt quy định với các công ty đại lục muốn IPO tại Mỹ.
Cả Trung Quốc và Mỹ kể từ năm 2021, đều đã siết chặt quy định đối với các công ty Trung Quốc muốn giao dịch chứng khoán tại New York. Từ ngày 15/2 năm nay, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc sẽ chính thức yêu cầu một số công ty phải thực hiện đánh giá bảo mật dữ liệu trước khi được phép niêm yết ở nước ngoài.
Các quy định mới này có thể ám chỉ việc các đợt IPO trong tương lai có khả năng cao sẽ đều diễn ra tại Hong Kong. Nếu niêm yết tại Hong Kong trở thành lựa chọn khả thi duy nhất, các quỹ đầu tư có thể sẽ cần phải suy nghĩ lại về chiến lược đầu tư của mình do sàn giao dịch ở Hong Kong có cách giao dịch khác với các sàn giao dịch chứng khoán tại New York khi liên quan đến IPO.
Với việc này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng tới cả các công ty Trung Quốc muốn huy động vốn. Các công ty này sẽ phải đối mặt với nhiều điều không chắc chắn trên con đường niêm yết. Theo Richard Chen, giám đốc điều hành của Alvarez & Marsal’s Transaction Advisory Group tại Châu Á, việc niêm yết ở Hong Kong đồng nghĩa với việc được định giá thấp hơn so với khi niêm yết tại New York.
Nhiều công ty tại Thung lũng Silicon thường đưa ra định giá cao hơn đối với tiềm năng tăng trưởng của các công ty công nghệ trong khi các công ty tại Hong Kong thường tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận. Các nhà đầu tư tại Hong Kong cũng ưu tiên nhiều hơn vào các mô hình kinh doanh của các công ty sở hữu cửa hàng thực tế hoặc là các công ty làm việc trong các lĩnh vực như sản xuất linh kiện bán dẫn và cơ khí chính xác.
Động thái của các nhà đầu tư
Các quy định mới của Trung Quốc, chuyên gia Richard Chen cho biết các quỹ đầu tư tư nhân truyền thống chuyển sang thể hiện ý định đầu tư vào các công ty công nghiệp truyền thống, các doanh nghiệp kinh buôn bán cho các doanh nghiệp khác hoặc bán người tiêu dùng mà không phụ thuộc nhiều vào công nghệ.
Đây là những gì mà các nhà đầu tư đang cân nhắc. Họ sẽ suy nghĩ xem liệu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có hợp lý không khi mà việc niêm yết tại Mỹ trở thành một thách thức trong bối cảnh siết chặt chính sách hiện nay. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc lại chiến lược đầu tư của mình, đặc biệt là về mục tiêu tối thiểu về thu hồi lợi nhuận vì việc niêm yết tại Hong Kong có thể dẫn đến mức định giá thấp hơn, ông Chen cho biết.
Đối mặt với tiềm năng lợi nhuận thấp hơn, nhiều nhà đầu tư ở Trung Quốc đang hạn chế các hoạt động đầu tư của mình lại. Theo dữ liệu từ Preqin Pro, các hoạt động huy động vốn sử dụng đồng USD và đồng NDT của các quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào Trung Quốc đã có sự sụt giảm mạnh trong quý III và quý IV năm ngoái.
Đối với các quỹ đầu tư sử dụng đồng USD cho các công ty startup Trung Quốc giai đoạn đầu, việc gây quỹ hàng năm kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020 đã giảm xuống dưới 1 tỷ USD. Con số này sụt giảm mạnh từ mức 2,43 tỷ USD vào năm 2019 và 5,13 tỷ USD vào năm 2018.
Mặt khác, theo dữ liệu mới nhất của Preqin, số lượng quỹ chưa được triển khai đạt 45 tỷ USD vào tháng 6/2021. Mức này cũng là mức cao kỷ lục trong ít nhất là 10 năm gần đây.
Ming Liao, đối tác sáng lập của Prospect Avenue Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết: “Do không chắc chắn về việc thu hồi lợi nhuận, chúng tôi đã giảm tốc độ đầu tư vào nửa cuối năm ngoái”. Ngoài ra, ông còn bổ sung thêm Mỹ chính là con đường tốt nhất cho các công ty công nghệ và Internet Trung Quốc. Nguyên nhân do các mô hình mới sẽ dễ được chấp nhận hơn tại đây. Thị trường Mỹ cũng không đòi hỏi khả năng sinh lời cao như thị trường Hong Kong.
Báo cáo của China Renaissance cho thấy, doanh thu trung bình hàng ngày năm 2021 đối với cổ phiếu ở Hong Kong, bằng khoảng 5,4% so với các sàn Nasdaq và NYSE. Ngay cả đối với các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com, doanh thu trung bình hàng ngày của cổ phiếu giao dịch tại Hong Kong là bằng từ 20% đến 30% của cổ phiếu được giao dịch tại New York. Các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ cũng thường chiết khấu giá niêm yết thứ cấp của mình ở Hong Kong.
Với các startup muốn IPO
Các đợt IPO của Trung Quốc tại Mỹ đã đạt kỷ lục vào năm 2021 và việc công ty gọi xe Didi niêm yết cuối tháng 6 năm ngoái trên sàn NYSE đã thu hút sự chú ý của chính phủ Trung Quốc. Trong vòng vài ngày, cơ quan quản lý an ninh mạng của Trung Quốc đã yêu cầu Didi tạm ngừng đăng ký người dùng mới và xóa ứng dụng của họ khỏi các cửa hàng ứng dụng.
Động thái này đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình siết chặt quy định với việc IPO ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc. Li Yang, Chủ tịch Tổ chức Tài chính và Phát triển Quốc gia do chính phủ hậu thuẫn, đã mô tả dự thảo mới về IPO tại nước ngoài là nhằm giúp việc đầu tư có tổ chức của Trung Quốc phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.
Các tổ chức tài chính nước ngoài hiện đang phải đối mặt với “rủi ro thương mại” ngày càng tăng khi công ty Trung Quốc được đầu tư vấp phải sự trừng phạt từ phía Mỹ. Theo Nick Turner, cố vấn tại Hong Kong của công ty luật Steptoe & Johnson, đây hiện là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong quá trình thẩm định trước bất kỳ đợt IPO nào.
Con đường để IPO thành công đối với các công ty Trung Quốc hiện vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng. Theo các nhà phân tích, các công ty đại lục muốn niêm yết tại nước ngoài có khả năng cao sẽ phải chờ cơ quan quản lý của cả hai bên xác nhận, thông qua quy định và phê duyệt trước.
Sau vụ đình chỉ kế hoạch IPO của chi nhánh Ant của Akibaba tại Hong Kong và Thượng Hải vào cuối năm 2020, các nhà chức trách cũng đã trì hoãn việc niêm yết công khai của nhà sản xuất máy tính Lenovo và công ty hạt giống Thụy Sĩ Syngenta tại đại lục vào năm ngoái.
Các quy định mới có thể sẽ kéo dài thời gian chờ đối với các công ty muốn niêm yết tại nước ngoài. Sự không chắc chắn này rất có thể sẽ làm các nhà đầu tư ngần ngại và khiến định giá của các công ty Trung Quốc muốn IPO tại Mỹ giảm sút. Ngoài ra, nó còn có khả năng khiến các công ty này khó huy động vốn ở nước ngoài hơn.