Nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn TP.HCM là điểm đến
Có nhiều cơ hội để TP.HCM xây dựng nhiều cụm ngành bài bản hơn dựa trên lợi thế về lực lượng lao động, quyết tâm chinh phục tương lai của lãnh đạo TP và giới doanh nghiệp.
LTS: Sở hữu hàng loạt điều kiện tốt, TP.HCM đang là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn đang tồn tại, đồng thời chọn cách làm mới thì mới có thể tăng thu hút dòng vốn FDI.
Bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Intel Việt Nam, chia sẻ dù trong giai đoạn dịch bệnh, các hoạt động sản xuất có gặp khó khăn nhưng tập đoàn luôn nhận được sự hỗ trợ rất tốt của TP.HCM. Nhờ vậy đã giúp Intel có sự bứt phá về tăng trưởng xuất khẩu.
Tiếp tục chọn TP.HCM là điểm đến
“Tính đến nay, Intel Việt Nam đã xuất xưởng hơn 2 tỉ sản phẩm. Chúng tôi rất tự hào về cột mốc quan trọng này và điều này cho thấy nhà máy tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Intel đáp ứng nhu cầu của khách hàng trên toàn thế giới. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất và đội ngũ của mình tại Việt Nam” - bà Hồ Thị Thu Uyên nhấn mạnh.
Hiện Intel Việt Nam đang hoạt động tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ông lớn công nghệ của Mỹ mới đầu tư thêm 475 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên đến 1,5 tỉ USD. Khoản đầu tư mới gần nửa triệu USD của Intel nhằm mục đích sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như sản phẩm 5G, bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10.
Đáng chú ý, nhà máy đặt tại Việt Nam là cơ sở sản xuất lớn nhất của Intel trên toàn cầu. Đây cũng là nhà đầu tư công nghệ lớn nhất của Mỹ tại Việt Nam đến thời điểm hiện nay.
Không chỉ Intel mà ngày càng nhiều nhà đầu tư chọn TP.HCM là điểm đến để phát triển kinh doanh. Ông Park Noh Wan, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết TP.HCM đã hỗ trợ rất nhiều cho các nhà đầu tư Hàn Quốc trong giai đoạn dịch bệnh. Lãnh đạo TP luôn đồng hành, lắng nghe và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho các nhà đầu tư Hàn Quốc mỗi khi có vấn đề phát sinh.
“Đây cũng là lý do nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc chọn TP.HCM là điểm đến để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đơn cử Tập đoàn CJ mới đây đã lên kế hoạch đầu tư dự án khu phức hợp công nghiệp văn hóa quy mô lớn tại quận Tân Phú” – ông Park Noh Wan dẫn chứng.
Tương tự, ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM, cho biết TP.HCM được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao nên các nhà đầu tư Nhật duy trì mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại đây. Cụ thể, trong tổng số gần 1.500 dự án của Nhật hoạt động tại TP.HCM thì có đến hơn 50% dự án tiếp tục đăng ký mở rộng đầu tư. Đặc biệt, ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật chọn TP.HCM là địa điểm sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Có dấu hiệu tụt lại
TP.HCM vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh, thành về thu hút nguồn vốn FDI nhưng đang có dấu hiệu tụt lại so với các địa phương khác. Đơn cử năm 2021, thu hút lượng vốn FDI lên đến hơn 3 tỉ USD trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng TP.HCM chỉ về đích thứ ba sau Hải Phòng và Long An.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải kể rằng ông từng dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM để tìm hiểu đặt nhà máy sản xuất nhưng thất bại vì giá thuê đất quá đắt đỏ. Bởi nếu so sánh tương quan thế mạnh của TP.HCM với phía Bắc trong việc thu hút FDI thì một số điểm không hấp dẫn bằng.
Những TP thu hút được lao động tri thức sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn những TP không thể tạo ra môi trường thích hợp cho lao động tay nghề cao và sáng tạo.
Chẳng hạn, vào tháng 2 năm nay, Samsung đã tăng thêm vốn đầu tư mở rộng nhà máy tại Thái Nguyên lên hơn 2 tỉ USD. Trong khi đó, tại TP.HCM, Samsung chỉ đặt một nhà máy sản xuất điện tử gia dụng tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Nguyên nhân, quỹ đất tại TP.HCM không đủ đáp ứng quy mô của Samsung. Ngoài ra, tại khu vực miền Bắc, quỹ đất còn rất lớn, lao động dồi dào, chi phí thấp và một số chính sách ưu đãi tốt hơn.
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, đánh giá TP.HCM có đầy đủ năng lực để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao. Nhưng quan trọng là TP cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng Việt Nam thu hút nhiều FDI nhờ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu. Song kinh nghiệm cho thấy việc cải thiện môi trường kinh doanh có tác động lớn hơn đến việc thu hút FDI chất lượng cao vào quốc gia đó hơn là cắt giảm thuế. Do đó, TP.HCM cần tiếp cận theo hướng này nhằm lấy lại vị thế đầu tàu thu hút FDI.
“Đó là tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư” - ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại diện một nhà đầu tư cũng nêu rõ ngoài khía cạnh đầu tư về vốn con người, các công ty công nghệ nước ngoài còn mong muốn được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bởi họ không sản xuất tài sản hữu hình như chiếc áo sơmi hay linh kiện xe hơi, mà là tài sản vô hình như mã máy tính, ứng dụng điện thoại hoặc công nghệ mới để sản xuất năng lượng sạch. Vì vậy, họ kỳ vọng TP.HCM thực thi nghiêm túc các quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ để các công ty thấy rằng tài sản quan trọng của họ được bảo vệ.•
TP.HCM đứng đầu về số dự án FDI
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20-3, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 8,9 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về số lượng các dự án, TP.HCM là địa phương dẫn đầu với 127 dự án được cấp phép trong giai đoạn từ ngày 1-1 đến 20-3 nhưng vốn đăng ký chỉ hơn 21 triệu USD. Hà Nội với 64 dự án, vốn đăng ký 33,3 triệu USD.
Nếu xét về thu hút vốn FDI thì Bình Dương đứng đầu cả nước về vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép, với vốn đăng ký hơn 1,6 tỉ USD...
Thu hút chất xám, tạo ra các cụm ngành mới
Theo TS Burkhard Schrage, ĐH RMIT Việt Nam, giờ là lúc lãnh đạo TP.HCM nên xem xét hướng phát triển tiếp theo của địa phương trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư FDI. Yếu tố chính quyết định năng lực cạnh tranh của các TP là khả năng tạo ra được các cụm ngành nhất định.
Hiện nay, Khu công nghệ cao TP.HCM được các nhà hoạch định chính sách xác định là một cụm để tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển phần mềm và sản xuất có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, TP vẫn cần xem xét nhiều hơn đến việc phát triển các cụm khác để tăng sức hấp dẫn của nơi này đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Vị chuyên gia ĐH RMIT Việt Nam cũng nhận định những TP thu hút được lao động tri thức sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn những nơi không thể tạo ra môi trường thích hợp cho lao động tay nghề cao và sáng tạo. Đây cũng là nhân tố để thu hút FDI công nghệ cao.
Theo đó, TP.HCM cần giải quyết hai thách thức chính về mặt chính sách. Một là TP cần đưa ra các chính sách công hiệu quả để làm cơ sở thu hút lao động tri thức ưu tú nhất. Hai là thực hiện quyết liệt mục tiêu trở thành TP thông minh, vừa sử dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn vừa bền vững về mặt môi trường và gia tăng năng lực đổi mới của TP.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-chon-tp-hcm-la-diem-den-post675287.html