Nhiều nhà xe vi phạm cố tình không nộp phù hiệu
Từ đầu năm đến nay có hàng chục nghìn doanh nghiệp vận tải vi phạm bị xử lý thông qua dữ liệu giám sát hành trình (GPS), song có khá nhiều đơn vị không nộp phù hiệu về cơ quan quản lý Nhà nước.
Chỉ số ít doanh nghiệp chấp hành
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản gửi Công an và Sở GTVT các tỉnh/thành phố, Sở GTVT-XD Lào Cai phối hợp thực hiện việc kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm thông qua hệ thống (GPS).
Văn bản do ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký ngày 6/11 cho biết: "Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT và UBND Thành phố và hướng dẫn của Cục Đường bộ Việt Nam về khai thác, sử dụng dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình trong đó khai thác và xử lý các vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ.
Qua theo dõi, trên địa bàn thành phố còn tồn tại một số đơn vị kinh doanh vận tải chưa nghiêm túc thực hiện đầy đủ các quy định về quy trình đảm bảo an toàn giao thông. Đặc biệt là bộ phận quản lý và theo dõi an toàn giao thông của các đơn vị vận tải dẫn đến tình trạng vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, truyền dữ liệu giám sát hành trình, vi phạm tốc độ".
Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, Sở GTVT thành phố Hà Nội đã ban hành 10 văn bản để chấn chỉnh, thu hồi phù hiệu, biển hiệu của các đơn vị kinh doanh vận tải theo quy định. Tuy nhiên, chỉ có một số đơn vị vận tải chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu của các xe đã bị xử lý vi phạm về Sở GTVT Hà Nội, một số đơn vị vận tải chưa chấp hành việc thu hồi và giao nộp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.
Điển hình như hồi tháng 4, xe đầu kéo BKS 37H-040.56 vi phạm tốc độ 1.551 lần, xe đầu kéo BKS 37H-040.55 vi phạm tốc độ 1.118 (đều của Hợp tác xã ô tô Trường Hải) bị xử lý vi phạm nhưng đến nay chưa thu hồi nộp lại phù hiệu.
HTX Vận tải Đại Lâm có phương tiện vi phạm tới 7.216 lần, HTX DV VT xe Đại Nam 7.182 lần, HTX Vận tải xe Đô Thành 5.797 lần, HTX Vận tải xe Hồng Hà 3.906 lần, HTX dịch vụ Thiên Trường 2197 lần hồi tháng 7 nhưng chưa thu hồi và nộp phù hiệu...
Xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm chưa chấp hành
Để tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp, giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng cho người dân sử dụng dịch vụ vận tải, Sở GTVT thành phố Hà Nội đề nghị Công an và Sở GTVT các tỉnh/thành phố, Sở GTVT-XD Lào Cai phối hợp và chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường thực hiện xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải kiểm tra, xử phạt nghiêm các vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải đối với hành vi không chấp hành quyết định về thu hồi phù hiệu, biển hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian làm việc của lái xe, không truyền dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của Sở GTVT Hà Nội.
Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT được giao tạm thời chưa giải quyết cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu đối với đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà không chấp hành quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu; Vi phạm về truyền dữ liệu, tốc độ, thời gian làm việc của lái xe mà không thực hiện chấn chỉnh và không gửi báo cáo về việc chấn chỉnh bộ phận theo dõi an toàn giao thông cho đến khi đơn vị chấp hành đầy đủ các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải và các nội dung chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội.
Trước đó, trong tháng 8/2023, khai thác từ dữ liệu đường truyền của Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT Hà Nội đã phát hiện gần 10 vạn lượt xe vi phạm thông qua thiết bị GPS. Các lỗi phổ biến gồm xe không truyền dữ liệu, tài xế lái xe quá thời gian quy định, chạy quá tốc độ...
Riêng lỗi vi phạm tốc độ, số liệu thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy trong tháng 8 có cả trăm xe vi phạm. Có xe khách, xe tải chỉ chạy khoảng 1.000km nhưng vi phạm tốc độ cả nghìn lần.
Đơn cử, trong tháng 8, xe chở khách theo hình thức hợp đồng có BKS 29B-406.42 của Công ty TNHH Vận tải và Thương mại quốc tế Bình Minh vi phạm tốc độ 132 lần. Xe đầu kéo BKS 37H-040.56 của HTX ô tô Trường Hải vi phạm tốc độ 1.272 lần.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cả nước hiện có gần 1 triệu ô tô đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó hơn 318.400 xe khách.
Theo quy định của Chính phủ, các xe này đều đã lắp đặt GPS.
Khi hoạt động trên đường, các xe kinh doanh vận tải phải truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ, đơn vị chủ quản và trung tâm khai thác dữ liệu giám sát hành trình do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, chia sẻ cho các sở GTVT.