Nhiều nỗ lực tạo hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán
Việc tạo hàng hóa mới trên thị trường cũng giống như xây chợ, cần nhiều gian hàng, hàng hóa phong phú. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn thưa thớt tiếng cồng IPO, niêm yết mới.
Chia sẻ về câu chuyện tạo hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán tại Tọa đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích lũy - Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 5/3, ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE cho biết, trong năm qua, DNSE đã IPO thành công 100% online, với số lượng đăng ký hơn 5.000 nhà đầu tư và sau khi đăng ký thành công thì hiện có 603 cổ đông.
“Với quy mô của CTCK DNSE IPO, nếu như những năm trước đây tiến hành IPO truyền thống thì con số sẽ ít hơn nhiều. Do đó chúng ta thấy được việc thay đổi hình thức IPO truyền thống thành hình thức online giúp nhà đầu tư tiếp cận một cách nhanh hơn, gần hơn với doanh nghiệp ngay từ những bước đầu sự phát triển bùng nổ của doanh nghiệp. Chúng tôi cũng cam kết là sau khi IPO xong sẽ niêm yết ngay trong năm 2024 này và nhà đầu tư sẽ có thêm sự lựa chọn trong quá trình đầu tư của mình”, ông Hòa chia sẻ.
Từ góc nhìn của công ty chứng khoán, đồng thời là doanh nghiệp đang chuẩn bị niêm yết, ông Hòa chia sẻ thêm, việc lựa chọn thời gian lên sàn đã được tính toán. 2024 là thời điểm thuận lợi khi có sự đồng thuận từ Chính phủ với nỗ lực thúc đẩy nâng hạng thị trường, lãi suất ở mức thấp, quay lại thời tiền rẻ. Đây là thời điểm thuận lợi để CTCK niêm yết, từ đó tăng quy mô hoạt động, cũng như quy mô thị phần.
“Kể từ ngày bắt đầu hoạt động cho tới nay, nếu tính con số cuối năm 2023 thì với thị phần mở mới chúng tôi đã chiếm hơn khoảng 30%. Điều đó cho thấy nhu cầu đầu tư của người dân, quy mô thị trường vốn, thị trường chứng khoán đang còn nhiều dư địa để phát triển. Đây là lý do mà chúng tôi IPO 2023 và niêm yết năm 2024”, ông Hòa cho biết.
Từ phía nhà quản lý, bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán cho biết, UBCK đang phối hợp cùng các sở giao dịch đưa việc đăng ký giao dịch, niêm yết theo trình tự rút ngắn thời gian để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, từ đó có thể thu hút nguồn vốn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
“Trong quá trình xem xét các hồ sơ chào bán IPO, chúng tôi nhận thấy các đơn vị tư vấn đôi khi chưa hiểu trùng khớp. Theo đó, trong tháng 3 này, chúng tôi dự kiến tổ chức hội nghị tại cả 2 miền Nam, Bắc, mời các doanh nghiệp có nhu cầu IPO tới tham dự để tư vấn, chia sẻ và giúp doanh nghiệp thực hiện IPO hồ sơ chuẩn chỉ. 2024 - 2025 là năm để cùng chia sẻ, rút gọn quy trình niêm yết”, bà Linh cho biết.
Từ góc nhìn đơn vị đang phát triển các quỹ đầu tư và tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư tổ chức, bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research cho biết, nhà đầu tư ngoại có sự quan tâm rất lớn tới thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng còn hạn chế về việc thiếu vắng hàng hóa chất lượng, thiếu doanh nghiệp niêm yết mới, trong khi các cổ phiếu đang niêm yết gặp vướng tại quy định trần sở hữu đối với khối ngoại.
“Dòng vốn tiềm năng có thể đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng, nhưng chỉ những cổ phiếu còn room ngoại, cổ phiếu tiềm năng mới có thể thu hút dòng vốn mới. Chúng tôi kỳ vọng có thể hấp dẫn thêm nhà đầu tư nước ngoài vì hiện tại nhà đầu tư trong nước đang chiếm tới 92% giá trị giao dịch toàn thị trường - tỷ lệ không nước nào cao bằng”, bà Trang chia sẻ.