Nhiều nội dung được đề nghị làm rõ tại Hội nghị thẩm tra

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, ngày 24-11, Ban Văn hóa - Xã hội và Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị thẩm tra đối với một số báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII. Dự Hội nghị thẩm tra của 2 Ban có các đồng chí: Hà Thị Bích Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

* Đối với nội dung thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 và nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 (lĩnh vực văn hóa - xã hội); Tờ trình về việc quy định chính sách đầu tư ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, chính sách đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Tờ trình, dự thảo nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập năm 2020.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chỉ ra một số khó khăn, bất cập. Trong số này, vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu đó là quy định về định mức khoán trong công tác giảng dạy đối với các cấp học từ mầm non đến THPT và thực hiện nhiệm vụ nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non năm 2021. Mặc dù, theo đề xuất thì mức hỗ trợ đã cao hơn so với quy định hiện hành (mức đề xuất đối với công tác giảng dạy từ 4,9-5,3 triệu đồng/người/tháng tùy theo cấp học; 3,5 triệu đồng/định mức khoán nấu ăn/tháng) nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn thấp. Ngoài ra, việc quy định thời gian được nhận hỗ trợ là 10 tháng/năm cũng chưa phù hợp. Vì thế, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng việc hợp đồng đối với các giáo viên và nhân viên nấu ăn trong các cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn như thời gian qua. Điều này đặt ra yêu cầu tỉnh cần tiếp tục kiến nghị với Chính phủ quan tâm, thay đổi một số quy định để địa phương có căn cứ đề xuất mức phù hợp hơn.

Đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh rõ: Nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng còn một số danh mục kỹ thuật thiết bị y tế chưa được thanh toán bảo hiểm y tế; kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh hiện nay? Việc thực hiện xóa nghèo cho 100% các hộ có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng trên địa bàn ra sao khi mà tính đến tháng 7-2019, toàn tỉnh vẫn còn 480 hộ nghèo thuộc đối tượng này…Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm một số giải pháp thực hiện liên quan đến lĩnh vực văn hóa - xã hội trong năm 2021.

* Đối với thẩm tra của Ban Dân tộc, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ trong thực hiện hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi theo Chương trình 135, cũng như việc thực hiện hỗ trợ tiền ăn bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn; việc triển khai và thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2025 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ đang được thực hiện thế nào, kết quả đạt được ra sao, đâu là những khó khăn, tồn tại? Cơ sở nào để đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2021; việc triển khai dạy học theo chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới trên địa bàn tỉnh có gặp những vướng mắc như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước?…

Tại Hội nghị, sau khi nghe đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng và UBND tỉnh giải trình làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm, đồng chí Hà Thị Bích Hồng đề nghị 2 Ban của HĐND tỉnh tiếp thu, hoàn chỉnh vào nội dung báo cáo thẩm tra để UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh có cơ sở giải trình, cũng là các căn cứ để các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu, thảo luận, đi đến thống nhất tại Kỳ họp.

Nhóm PV

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/nhieu-noi-dung-duoc-de-nghi-lam-ro-tai-hoi-nghi-tham-tra-276972-97.html