Nhiều nỗi lo từ chăn nuôi trâu, bò thả rông

Đến nay đã có hàng chục con trâu, bò chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông của người dân các xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, huyện Đakrông bị chết được cơ quan chức năng xác định do bệnh tụ huyết trùng và lê dạng trùng (ký sinh trùng đường máu). Đối với người dân các xã miền núi vốn còn nhiều khó khăn như Ba Lòng, Triệu Nguyên thì con trâu, con bò chính là 'đầu cơ nghiệp', nên việc bỗng chốc bị thiệt hại tài sản lớn như vậy khiến các gia đình rất xót xa và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ sự việc này cũng để lại nhiều nỗi lo từ thực trạng chăn nuôi trâu, bò thả rông, không chỉ về dịch bệnh...

Ngoài trồng hoa màu thì chăn nuôi trâu, bò là nguồn sinh kế chính của người dân xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: Đ.V

Ngoài trồng hoa màu thì chăn nuôi trâu, bò là nguồn sinh kế chính của người dân xã Ba Lòng, huyện Đakrông - Ảnh: Đ.V

Thiệt hại nặng vì nhiều trâu, bò bị chết

Đến ngày 15/2, đã có 37 con trâu, bò của các hộ gia đình ở huyện Đakrông bị chết vì bệnh tụ huyết trùng và lê dạng trùng. Trong đó, riêng xã Ba Lòng có 28 con trâu, bò bị chết. Nhiều hộ có số trâu chết 6 - 9 con, thiệt hại hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng.

Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Biên (50 tuổi), trú thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ đến cảnh tượng hàng loạt con trâu chết, nằm la liệt giữa rừng. Bà Biên buồn bãkể, 15 năm trước vợ chồng bà vay 5 triệu đồng mua hai con trâu để nuôi.

Qua nhiều năm chăn nuôi, đến nay bình quân mỗi năm gia đình bà duy trì ổn định đàn trâu khoảng 11 con. Những năm qua, gia đình bà cùng với 6 hộ khác trong thôn cùng thả chung đàn với tổng cộng 36 con, thay phiên nhau trông coi. Ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thìn, gia đình bà Biên đi kiểm tra thì thấy đàn trâu vẫn bình thường.

Tuy nhiên, sau mấy ngày ăn Tết, đến ngày 1/2 (mồng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ), bà Biên bất ngờ nhận được tin báo của ông Trần Đức Lợi (45 tuổi), trú tại thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên về việc trâu bị chết ở cánh rừng xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (giáp ranh với huyện Đakrông - là nơi người dân xã Ba Lòng và Triệu Nguyên thường xuyên chăn thả trâu bò). “Lúc lên kiểm tra, tôi rụng rời tay chân khi thấy cảnh tượng trâu nằm chết la liệt, bụng trương phình to. Nhiều con đang phân hủy với mùi hôi nồng nặc cả cánh rừng.

Gia đình tôi bị chết 5 con trong tổng số 11 con, đa số là trâu lớn, béo với giá trị bình quân mỗi con từ 18 - 20 triệu đồng. Tính sơ sơ thiệt hại khoảng 90 triệu đồng. Thật sự rất xót xa”, bà Biên cho hay.

Theo bà Biên, hiện nay giá trâu đã rẻ chứ 3 - 4 năm trước giá bán mỗi con còn cao gấp đôi. Qua hơn 15 năm nuôi trâu, bà Biên cho biết đây là lần đầu chứng kiến cảnh trâu chết hàng loạt như vậy. Để nuôi con ăn học, trả nợ vay ngân hàng và trang trải cuộc sống, mỗi năm gia đình bà bán từ 2 - 3 con trâu.

“Sống ở xã miền núi vốn đã khó khăn, quanh năm chủ yếu dựa vào mấy sào đất trồng hoa màu với nuôi trâu mà chỉ trong phút chốc dịch bệnh đã cướp đi nhiều con trâu như vậy đã khiến gia đình tôi gặp khó khăn. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ nguồn giống trâu, bò để phục hồi chăn nuôi”, bà Biên bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Biên, thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng, huyện Đakrông bên chuồng nuôi trâu nay bị bỏ trống do trâu chết vì dịch bệnh - Ảnh: Đ.V

Bà Nguyễn Thị Biên, thôn Mai Sơn, xã Ba Lòng, huyện Đakrông bên chuồng nuôi trâu nay bị bỏ trống do trâu chết vì dịch bệnh - Ảnh: Đ.V

Trong khi đó, ông Trần Đức Lợi, thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên cũng vẫn chưa hết tiếc nuối khi chứng kiến đàn trâu của mình chết nhiều con. Bên những con trâu còn lại, ông Lợi bần thần kể: “Trước khi nghỉ Tết, tôi đã cẩn thận kiểm tra thì đàn trâu vẫn đầy đủ, thể trạng bình thường.

Nhưng đến chiều mồng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ, khi đi kiểm tra thì tôi bàng hoàng khi thấy trâu nằm chết hàng loạt trong rừng cao su, rừng keo tràm. Gia đình tôi có 19 con trâu thì chết hết 9 con, ước tính thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn mà làm lụng cả năm chưa chắc đã có. Kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào đàn trâu, nên thiệt hại lớn như vậy sắp tới không biết lấy gì để nuôi con ăn học và trả nợ vay ngân hàng”.

Khẩn trương khống chế dịch bệnh

Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Trần Hữu Hiếu thông tin, ngay sau khi dịch bệnh xảy ra trên đàn trâu, bò của người dân địa phương, UBND xã đã khẩn trương phối hợp với Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Đakrông và cử các lực lượng ở địa phương giúp người dân cách ly, điều trị gia súc ốm, tiêu độc khử trùng môi trường, triển khai các biện pháp bao vây ổ dịch... “Đến nay, UBND xã đã phối hợp với Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện tiến hành tiêm điều trị bằng kháng sinh cho 114 con trâu, 70 con bò tại khu vực xảy ra dịch bệnh ở Thôn 5. Các hộ có bò mắc bệnh đã được đưa về nhốt tại chuồng để chăm sóc, điều trị”, ông Hiếu cho biết.

Theo thống kê của UBND xã Ba Lòng, năm 2024, toàn xã có tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin được nhà nước hỗ trợ như lở mồm long móng, viêm da nổi cục... đạt 80% tổng đàn. Số không tiêm chủ yếu nằm trong diện không thuộc đối tượng tiêm như: trâu, bò chửa đầu thai kỳ; bê, nghé dưới 2 tuần tuổi hoặc trâu, bò thả rông trong rừng không thể đưa về tiêm phòng.

Cũng theo thống kê, toàn xã có 1.300 con trâu, bò thì chỉ có khoảng 200 con được tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng, chủ yếu ở các trang trại chăn nuôi lớn và một số hộ có ý thức bảo vệ đàn vật nuôi. Theo nhận định, do tỉ lệ tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng quá thấp nên khi xảy ra dịch đã lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn.

Cán bộ thú y tiêm kháng sinh cho trâu tại khu vực xảy ra dịch bệnh ở Thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông -Ảnh: Đ.V

Cán bộ thú y tiêm kháng sinh cho trâu tại khu vực xảy ra dịch bệnh ở Thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông -Ảnh: Đ.V

Ông Trần Hữu Hiếu cho biết, do diện tích đất sản xuất của địa phương hạn hẹp và hầu như không có đồng cỏ nên từ xưa đến nay người dân đã có tập quán chăn nuôi trâu, bò thả rông. Người dân xã Ba Lòng chủ yếu chăn thả trâu, bò ở những quả đồi giáp ranh với vùng Cùa, huyện Cam Lộ và xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong. Chăn nuôi trâu, bò cũng là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương bên cạnh trồng đậu lạc, đậu xanh.

Trước những thiệt hại khá lớn do dịch bệnh gây ra, ông Hiếu thông tin: “Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân chăn thả trâu, bònhưng phải đảm bảo chuồng trại. Các hộ chăn nuôi phải tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của cơ quan thú y để bảo vệ tài sản của mình.

Vào mùa mưa rét phải đưa trâu, bò vào chuồng trại được che chắn; phải dự trữ thức ăn như rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, cỏ trồng. Mùa hè thì phải đảm bảo chuồng trại thoáng, mát. Chăn nuôi trâu, bò phải đảm bảo cân bằng đàn so với số lượng thức ăn. Chúng tôi cũng kiến nghị cấp trên sớm hỗ trợ vắc xin, thuốc phòng và điều trị bệnh để tổ chức tiêm phòng, điều trị, khống chế ổ dịch”.

Nhiều nguy cơ từ nuôi trâu, bò thả rông

Chăn nuôi trâu, bò thả rông là tập quán từ xưa của người dân nhiều địa phương ở vùng miền núi, vùng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương thiếu bãi chăn thả, đồng cỏ tự nhiên. Mặt khác, thói quen chăn nuôi thả rông giúp người dân ít tốn công chăm sóc, chi phí thức ăn, làm chuồng trại... Song, tập quán chăn nuôi này đã bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm ngoài vấn đề khó kiểm soát dịch bệnh. Đó là việc chăn nuôi thả rông còn khiến trâu, bò trên rừng lâu ngày trở thành “miếng mồi” cho nhiều kẻ trộm.

Đơn cử như mới đây, vào ngày 1/2, Công an huyện Hải Lăng nhận được tin báo của ông Nguyễn Văn Viết, trú thôn Tây Chánh, xã Hải Chánh về việc gia đình ông và 2 hộ dân khác bị mất trộm 6 con trâu, tổng trị giá khoảng 120 triệu đồng. Bằng tinh thần tích cực, khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, với các tài liệu, chứng cứ thu thập được, chiều 2/2, Công an huyện Hải Lăng đã bắt giữ khẩn cấp đối với 6 đối tượng để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Quá trình điều tra, xác định, vào ngày 26/1, nhóm 6 đối tượng trên đã đến khu vực rừng khe Dốc Dài, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng trộm 6 con trâu để giết thịt. Các đối tượng khai nhận, thấy trâu của người dân chăn thả ở vùng đồi núi, xa khu dân cư, vài ngày mới có người trông coi một lần nên nảy sinh ý định trộm trâu xẻ thịt đem bán kiếm tiền tiêu xài. Sau khi dùng súng hoa cải bắn hạ 6 con trâu, 6 đối tượng đã xẻ thịt ở phần đùi, lưng trâu rồi tự tay mang đi bán với giá 160.000 đồng/kg. Tổng cộng, 6 đối tượng bán được gần 40 triệu đồng tiền thịt trâu trộm được. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hải Lăng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng và cấm đi khỏi nơi cư trú 1 đối tượng để điều tra tội “Trộm cắp tài sản” đối với vụ việc nêu trên.

Hay như tình trạng trâu thả rông trên rừng lâu ngày trở nên hung dữ, về phá hoại cây trồng và thậm chí tấn công người dân cũng thường xuyên xảy ra trong thời gian qua. Như vào đầu tháng 3/2024, đàn trâu hàng chục con thường xuyên về ban đêm phá hoại làm hư hại nặng hơn 1 ha lúa của người dân thôn Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng khiến bà con rất bức xúc.

Ngoài lúa, một số diện tích cây cam ở vùng đồi K4 và cây keo lai mới trồng tại xã Hải Phú cũng bị đàn trâu thả rông phá hoại. Để bảo vệ cây trồng, người dân địa phương đã khoanh hàng rào và cử người canh giữ vào ban đêm nhưng nguy cơ tái diễn nạn trâu thả rông về phá hoại vẫn luôn hiện hữu... Hay trước đó, trong năm 2023 đã nhiều lần xuất hiện đàn trâu hoang về phá hoại cây trồng và tấn công người ở khu phố Khe Lấp, Phường 3, TP. Đông Hà khiến người dân hết sức bất an.

Trước thực trạng chăn nuôi trâu, bò thả rông để lại nhiều mối nguy hại, thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc thả rông đàn trâu, bò; thực hiện việc nuôi nhốt đàn trâu, bò gắn với việc quy hoạch, phát triển vùng đồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi đểphát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững...

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nhieu-noi-lo-tu-chan-nuoi-trau-bo-tha-rong-191795.htm