Nhiều nông dân Ấn Độ 'chia tay' lúa lai để trở về với giống truyền thống
Varsha Sharma đã trải qua một số năm sóng gió trong nông trang nhỏ của bà ở bang Himachal Pradesh, miền Bắc Ấn Độ. Gia đình bà trồng lúa trong hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng mưa thất thường và nước được chuyển cho ngành công nghiệp khiến việc trồng lúa trở nên khó khăn hơn. Bảy năm trước, bà chuyển sang trồng lúa lai và cây táo, nhưng điều đó thậm chí còn gây ra những vấn đề mới.
Kênh BBC (Anh) cho biết giống lúa lai hứa hẹn tăng sản lượng, nhưng cần rất nhiều chất phụ gia. Bà Varsha Sharma cho rằng những chất này đã làm hỏng đất. Bà nói: “Chúng tôi đã phá hủy đất của mình bằng cách thêm hóa chất và phân bón”.
Vì vậy, vào năm 2018, bà lại chuyển đổi, lần này là thử nghiệm với gạo đỏ, một giống lúa có lịch sử lâu đời ở bang Himachal Pradesh, nhưng đã bị thu hẹp khi nông dân chuyển sang các giống lúa hiện đại.
Gạo đỏ có chất lượng hấp dẫn. Nó khỏe mạnh và phát triển tốt mà không cần phân bón và các hóa chất khác. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy gạo đỏ có lợi ích dinh dưỡng hơn gạo trắng. Nhưng có lẽ đối với người nông dân, sức hấp dẫn lớn nhất là nó bán chạy.
"Gạo đỏ có giá tốt, dao động từ 3 đến 4 USD/kg trên thị trường bán lẻ, vì hoàn toàn hữu cơ. Điều này đã giúp nhiều nông dân như tôi", bà Sharma chia sẻ.
Chính quyền bang Himachal Pradesh chủ trương mở rộng sản xuất gạo đỏ, tăng diện tích canh tác lên 4.000 ha. Gạo đỏ không phải là giống lúa truyền thống duy nhất.
Ông Anjan Kumar Sinha, người sáng lập Hiệp hội phúc lợi xã hội-môi trường (ARSWS), tổ chức thúc đẩy bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, cho biết: “Người nông dân chỉ nghĩ đến việc tăng sản lượng, do đó chuyển sang các giống lúa lai. Khi hạt giống lai được sử dụng, nhu cầu về thuốc trừ sâu tăng lên và chi phí đội lên một cách không bền vững”.
Ông Sinha bổ sung: "Các giống lúa bản địa đã thích nghi với hệ sinh thái địa phương và mang khả năng chống lại hạn hán cùng lũ lụt. Có nhiều giống lúa ở Ấn Độ có thể phát triển mà không cần nước".
Nông dân tham gia tổ chức của ông Sinha được miễn phí một kg hạt giống, đủ để sản xuất tới 60kg gạo. Đổi lại nông dân phải trả lại một kg hạt giống. "Những giống này có thể đóng một vai trò quan trọng trong nông nghiệp bền vững ở những vùng dễ bị hạn hán", ông kết luận.
Ông Shankar Patnaik, cũng là một nông dân và nhà bảo tồn hạt giống, nói rằng nông dân "trở nên tham lam" và bắt đầu trồng lúa lai để thúc đẩy sản lượng. Ông nói: “Chúng tôi đã sử dụng rất nhiều urê và phân bón, thứ đã phá hủy đất của chúng tôi. Ngoài ra, hiện nay rất ít nông dân sử dụng hạt giống truyền thống để trồng lúa”. Ông Patnaik có một bộ sưu tập gồm 500 giống lúa và đang thử nghiệm nhiều loại trong số chúng trên 56.000 mét vuông đất của ông.
"Có một số giống lúa bản địa có thể cho năng suất cao hơn nhưng tiềm năng của chúng chưa được khai thác hết. Thậm chí không cần bón phân hóa học cũng có thể cho năng suất tốt. Nhưng nhìn chung, người dân coi đây là những giống lúa năng suất thấp và ít quan tâm", ông Patnaik bộc bạch.
Ngoài việc thử nghiệm các hạt giống, ông Patnaik còn nghiên cứu phương pháp trồng trọt cần ít nước hơn. Đặc biệt, ông còn sử dụng phương pháp phương pháp tưới ngập khô xen kẽ (AWD). Với phương pháp này, người nông dân làm ngập ruộng, để cho nước rút trong vài ngày, sau đó cho nước ngập trở lại.
Đây là một trong những quy trình được thúc đẩy bởi Trung tâm Nông nghiệp bền vững của Ấn Độ (CSA), một tổ chức phối hợp với người nông dân để khiến nông nghiệp bền vững hơn.
GV Ramanjaneyulu, giám đốc điều hành của CSA, cho biết: "Lúa là loại cây trồng tiêu thụ nhiều nước. Nó được trồng ở vùng nước tù đọng và tiêu thụ khoảng 5.000 lít nước nếu tính trên mỗi kg gạo". Ông nói rằng vi khuẩn trong ruộng lúa thải ra khí methane, và việc làm ngập nước gây hỏng cấu trúc đất, có thể khiến đất mặn hơn.
Cô Prema Devi - một nông dân đã áp dụng kỹ thuật mới trong trồng lúa- tại làng Farsali Malde, ở phía Bắc bang Uttarakhand, nói rằng biến đổi khí hậu khiến người dân làng, vốn chủ yếu là nông dân, đối mặt với rất nhiều vấn đề.
"Mùa màng của chúng tôi bị tàn phá vì mưa trái mùa hoặc khan hiếm nước”, cô than vãn. Vì vậy, vào năm 2021, cô bắt đầu giảm số lượng giống lúa gieo trồng. Cây lúa non được trồng ở khu vực riêng và được chuyển ra ruộng sau 12 đến 14 ngày, nơi chúng được trồng cách nhau từ 15 đến 20 cm.
Devi cho biết: “Khoảng cách giữa mang lại cho chúng nhiều oxy hơn và giảm thiểu cạnh tranh giữa các cây về chất dinh dưỡng và ánh sáng Mặt Trời”. Cô nhấn mạnh hệ thống này đã tăng gấp đôi sản lượng gạo của cô lên 100kg một năm.
Gạo được tiêu thụ và trồng rộng rãi ở Ấn Độ. Quốc gia tỷ dân này cũng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nhưng vào tháng 7, chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati để kiềm chế giá trong nước tăng cao do mưa lớn gây thiệt hại cho mùa màng.