Nhiều nước ASEAN siết chặt thêm quy định phòng dịch
Trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng nhanh trên toàn cầu, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã siết chặt thêm các quy định phòng dịch.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/12, các nước trong khu vực ASEAN ghi nhận thêm 23.234 ca mắc COVID-19 mới và 364 ca tử vong. Tổng số ca bệnh tại ASEAN hiện đã lên tới 14.649.162 trường hợp và 300.984 ca tử vong. Toàn khối cũng ghi nhận 13.760.581 trường hợp bình phục.
Hành khách tại sân bay quốc tế Phuket, ngày 1/11/2021, thời điểm Thái Lan áp dụng chương trình Test and Go. Ảnh: AFP
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế đi xuống mạnh ở nhiều quốc gia từng là điểm nóng trước đây, tuy nhiên, dịch bệnh tại Việt Nam vẫn phức tạp. Ngày 21/12, Việt Nam ghi nhận 16.325 ca nhiễm mới và 250 ca tử vong mới, đứng đầu khu vực về ca nhiễm và tử vong theo ngày.
Trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng nhanh trên toàn cầu, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã siết chặt thêm các quy định phòng dịch.
Mới đây nhất, ngày 21/12, Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ tạm dừng chương trình nhập cảnh không cần cách ly (Test and Go), dù mới được áp dụng chưa lâu. Theo đó, chương trình "Test and Go" cũng như hệ thống đăng ký cấp phép nhập cảnh (Thailand Pass) sẽ bị đình chỉ và sẽ được xem xét lại vào ngày 4/1/2022.
Tuy nhiên, tất cả những người đã đăng ký và được duyệt cấp Thailand Pass vẫn có thể nhập cảnh Thái Lan cho đến ngày 10/1/2022 nhưng phải cách ly 7 ngày. Sau thời hạn trên, tất cả những người nhập cảnh sẽ phải cách ly 14 ngày hoặc có thể nhập cảnh không cách ly theo chương trình Phuket Sanbox. Các cơ quan chức năng vẫn chưa đề cập có tạm dừng chương trình nhập cảnh không cách ly tại Bangkok và Samui hay không.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế công cộng Anutin Charnvirakul cho biết việc tạm dừng chương trình Test and Go là cần thiết để ngăn chặn sự bùng phát số ca nhiễm mới.
Được biết, chương trình Test and Go và hệ thống Thailand Pass được áp dụng từ ngày 1/11, góp phần gia tăng đáng kể số lượng du khách nhập cảnh Thái Lan.
Tại Indonesia, ngày 21/12, Chính phủ nước này đã đưa ra một loạt biện pháp tăng cường giám sát trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2021 và Năm mới 2022 (gọi là Nataru) nhằm gia tăng khả năng ứng phó với nguy cơ tăng đột biến các trường hợp mắc mới COVID-19, đặc biệt là liên quan đến biến thể Omicron.
Theo đó, Indonesia sẽ điều chỉnh các quy tắc cần thiết để dự đoán và chuẩn bị các kịch bản phòng chống dịch bệnh trước và sau Nataru 7 ngày. Bộ Nội vụ sẽ triển khai thông qua ứng dụng Care for Protect.
Indonesia cũng tăng cường nhân viên kiểm soát tại các địa điểm tập trung đông người như trung tâm thương mại, các tuyến đường thu phí, các địa điểm thăm quan của khách du lịch. Các bộ ngành liên quan phối hợp đẩy nhanh xét nghiệm và thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR tại các cửa ra vào các khu vực đông người.
Đồng thời, bắt buộc sử dụng ứng dụng giám sát sức khỏe PeduliLindung. Ứng dụng này sẽ là cơ sở để áp dụng các biện pháp phạt những cá nhân không tuân thủ quy định giám sát an toàn y tế. Indonesia cũng sẽ nâng cao vai trò của truyền thông kêu gọi người dân đề cao cảnh giác, cùng phòng chống sự lây lan của COVID-19, nhất là trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron.
Trước đó, Indonesia thông báo phát hiện 3 trường hợp nhiễm biến thể Omicron với nguồn lây được cho là từ bên ngoài nước này. Sáng 21/12, Bộ Y tế Indonesia thông báo 60/250 trường hợp tiếp xúc gần với 3 bệnh nhân trên đều có sức khỏe tốt và không có triệu chứng nào.
Cùng ngày, truyền thông Indonesia dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết chính phủ nước này đang xem xét kéo dài thời gian cách ly đối với người nhập cảnh lên 2 tuần nhằm ngăn chặn biến thể Omicron.