Nhiều nước Âu Mỹ tái áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19

Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt sự lây lan đáng lo ngại của biến thể Delta, nhiều nước đã đưa ra các biện pháp ứng phó như tái áp đặt các biện pháp phòng dịch, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng hay thậm chí gia hạn lệnh tình trạng khẩn.

Ngày 12/7, Pháp và Hy Lạp thông báo áp đặt trở lại các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn để kiềm chế số ca nhiễm mới gia tăng liên quan đến biến thể Delta, hiện đang là mối đe dọa đối với nỗ lực chống dịch toàn cầu.

Cụ thể, tại Pháp, từ tháng 8 tới, những người muốn ra ngoài ăn uống, đến các trung tâm thương mại hoặc tham dự lễ hội, xem phim sẽ phải trình giấy chứng nhận tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 hoặc giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Những đối tượng là nhân viên chăm sóc sức khỏe, nhân viên khu điều dưỡng và những người thường xuyên tiếp xúc với những người dễ bị tổn thương sẽ được tiêm chủng vào tháng 9 tới.

Trong khi đó, Hy Lạp đã quyết định tiêm chủng bắt buộc vắcxin ngừa COVID-19 toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế.

Cùng ngày, chính quyền các địa phương có thế mạnh về du lịch của Tây Ban Ban là Catalonia và Valencia cũng đã công bố các biện pháp phòng dịch mới. Theo đó, toàn bộ mọi hoạt động ở khu vực công cộng tại hai vùng trên đều phải kết thúc trước nửa đêm, cấm hoạt động tập trung từ 10 người trở lên tại nơi công cộng hoặc trong nhà riêng.

Theo cơ quan chức năng Tây Ban Nha, trong vài tuần qua, tất cả các địa phương của nước này đều ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm mới - với 368/100.000 dân trong 14 ngày qua. Đáng lo ngại, đối tượng lây nhiễm mạnh trong đợt dịch mới này là những người trong độ tuổi 30 chưa tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19.

Chính quyền Hà Lan ngày 12/7 thừa nhận đã mắc sai lầm khi dỡ bỏ các quy định hạn chế, giãn cách quá sớm. Thủ tướng Mark Rutte thừa nhận đã đánh giá không đúng diễn biến tình hình dịch bệnh khi ra các quyết định nới lỏng giãn cách trước đó. "Điều chúng tôi nghĩ là có thể hóa ra lại là không thể trên thực tế. Chúng tôi xin lỗi và lấy làm tiếc vì đã có đánh giá không chuẩn xác”, ông Rutte nói.

Trước xu hướng lây nhiễm dịu lại, số ca nhiễm mới và nhập viện giảm, chính quyền của Thủ tướng Mark Ruttle đã quyết định nới lỏng quy định về giãn cách, cho phép hộp đêm mở cửa trở lại sau hơn một năm đóng cửa, cùng với đó là hoạt động tập hợp đông người. Hiện 46% người trưởng thành tại Hà Lan đã tiêm đủ hai mũi vắcxin và hơn 77% tiêm ít nhất một mũi.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi nhanh chóng trước sự xuất hiện và lây lan của biến thể Delta. Hà Lan trong ngày 12/7 ghi nhận 9.300 ca nhiễm COVID-19 mới, mức cao nhất tính từ tháng 12/2020, trong khi hai tuần trước con số này chỉ là 500 ca/ngày. Số ca nhiễm chủ yếu rơi vào đối tượng thanh niên. Nhóm đặc trách chống COVID-19 của Chính phủ Hà Lan (OMT) khẳng định lây nhiễm thực tế diễn ra nhanh hơn so với dự báo, nhất là trong giới trẻ.

Để đối phó với dịch bệnh, Hà Lan hiện tái áp đặt một loạt biện pháp, trong đó có đóng cửa hộp đêm, cấm các sự kiện tập trung đông người. OMT cũng nêu đề xuất tới Quốc hội, xem xét thay đổi hệ thống đánh giá, lượng định diễn biến dịch bệnh theo hướng tập trung nhiều vào dữ liệu về tiêm vắcxin và ca bệnh nặng phải nhập viện thay vì chủ yếu dựa vào số ca nhiễm trong ngày.

Tại Bồ Đào Nha, chính quyền ra quyết định áp dụng biện pháp, quy định phòng dịch để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Từ ngày 12/7, lệnh giới nghiêm từ 23 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau được áp dụng tại các khu vực và cộng đồng dân cư thuộc nhóm có nguy cơ lây nhiễm “cao” và “rất cao”.

Tại những vùng này, nhà hàng, quán cafe vẫn được phép mở cửa đến 22 giờ 30, nhưng tối đa chỉ 4 người một bàn trong nhà và 6 người một bàn ngoài trời. Riêng với ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ, khách muốn dùng bữa tại khuôn viên bên trong nhà hàng từ thời điểm 19 giờ trở đi phải trình chứng nhận tiêm chủng vắcxin kĩ thuật số hoặc xét nghiệm âm tính. Cửa hàng bán lẻ và các nhà cung cấp dịch vụ chỉ được phép hoạt động tới 21 giờ. Đám cưới và các hoạt động, nghi thức tôn giáo chỉ được phép tiếp nhận người ở số lượng 50% so với bình thường.

Nhiều quy định khác cũng được duy trì trên phạm vi cả nước. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng trong không gian kín. Các công ty, doanh nghiệp được phép duy trì hoạt động, nhưng phải tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh, giãn cách triệt để hơn.

Ngày 12/7, Chính phủ Peru quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19 cho đến hết tháng 8 tới. Phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ cho biết trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia, việc thực hiện các quyền hiến định liên quan đến tự do, an ninh cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, quyền tự do hội họp và quá cảnh trong lãnh thổ đều sẽ bị hạn chế.

Theo Bộ Y tế Peru, hiện đã có khoảng 3,5 triệu người trong tổng dân số 33 triệu người đã được tiêm đủ 2 mũi vắcxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên, Peru vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới - 596/100.000 dân. Tính đến nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận hơn 2,07 triệu trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 194.000 ca tử vong.

Cùng ngày 12/7, Chính phủ Kuwait đã quyết định ngừng mọi hoạt động dành cho trẻ em, trong đó có câu lạc bộ sinh hoạt hè, từ ngày 25/7 cho đến khi có thông báo mới. Để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng xấu đi, nội các nước này cũng đã yêu cầu Bộ Quốc phòng và Tập đoàn xăng dầu Kuwait đưa các bệnh viện của mình vào hệ thống chăm sóc y tế chung của cả nước. gày 12/7, Kuwait thông báo có thêm 1.770 ca nhiễm mới và 19 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần lượt ở con số 37.736 ca và 2.136 ca.

Sáng 13/7, cơ quan chức năng Úc thông báo tình trang lây lan của dịch bệnh COVID-19 tại Sydney có dấu hiệu dịu lại. Tuy nhiên, giới chức nước này vẫn để ngỏ khả năng kéo dài lệnh phong tỏa tại thành phố để chặt đứt chuỗi lây nhiễm của biến thể Delta.

Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian cảnh báo số ca nhiễm mới ghi nhận trong một ngày chưa thể phản ánh tình hình dịch bệnh cụ thể. Do đó, bà kêu gọi người dân ở trong nhà, ngoại trừ lý do bất khả kháng.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong ngày 13/7, bang New South Wales công bố thêm 89 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng, giảm so với 112 trường hợp ghi nhận một ngày trước đó, và một ca tử vong. Phần lớn các ca mắc mới được phát hiện là thành viên trong cùng một gia đình.

Giới chức y tế bang đã yêu cầu người lao động làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu cư trú tại các khu vực ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong TP Sydney phải lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần nếu muốn đi làm việc ngoài khu vực cư trú. Trong khi đó, những người cư trú ngoài các khu vực trên nhưng vẫn trong vùng bị phong tỏa sẽ phải lẫy mẫu xét nghiệm hằng tuần.

Những người không có triệu chứng bệnh COVID-19 không cần phải cách ly trong khi chờ kết quả xét nghiệm, nhưng những người có triệu chứng sẽ bắt buộc phải ở trong nhà.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/261104/nhieu-nuoc-au-my-tai-ap-dat-cac-bien-phap-phong-dich-covid-19.html