6 vấn đề thường gặp ở người cao tuổi

Tuổi càng cao kèm theo cơ chế thoái hóa tự nhiên khiến nhiều chức năng cơ quan suy giảm. Bệnh ở người cao tuổi thường trở thành mạn tính, kéo dài hay tái phát và khó điều trị hơn.

Tuổi già cũng được đặc trưng bởi sự xuất hiện của một số tình trạng sức khỏe phức tạp thường được gọi là hội chứng lão khoa. Hội chứng này là hậu quả của nhiều yếu tố cơ bản và bao gồm yếu đuối, tiểu không tự chủ, té ngã, mê sảng và loét. Dưới đây là những vấn đề thường gặp ở người cao tuổi.

1. Tình trạng suy giảm trí nhớ

Suy giảm trí nhớ là căn bệnh thường gặp và có mức độ nguy hiểm đối với người cao tuổi. Có đến 50% người ở độ tuổi 85 mắc suy giảm trí nhớ và tăng dần theo thời gian. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu do quá trình lão hóa. Cụ thể, sau tuổi 25, mỗi ngày sẽ có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị phá hủy và không thể phục hồi. Hiện tượng này diễn ra nhanh hơn ở tuổi 60. Ở độ tuổi 60 – 65, có một số ít người mắc chứng suy giảm trí nhớ, nhưng con số này có thể lên tới 50% ở độ tuổi 85.

Khi tuổi cao hệ thần kinh lão hóa dẫn đến nhiều hệ quả nguy hiểm, đặc biệt là mất trí nhớ, lú lẫn, các bệnh lý như Parkinson…

2. Suy dinh dưỡng

Ăn không ngon miệng hoặc nhiều lý do khác nhau khiến người cao tuổi không ăn được nhiều dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng có thể xảy ra.

Một số điều có thể ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của người cao tuổi có thể kể đến như: Các vấn đề sức khỏe làm giảm sự thèm ăn hoặc khó khăn hơn khi ăn. Họ có thể đang trong một chế độ ăn điều trị bệnh nên phải hạn chế một số loại thực phẩm hoặc gia vị, khiến cho món ăn trở nên nhạt nhẽo. Họ cũng có thể có những vấn đề về răng miệng khiến khó nhai và nuốt, dẫn đến chán ăn hoặc ăn ít hơn. Khi bị suy dinh dưỡng khiến cho tình trạng mắc các bệnh lý thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tuổi thọ.

Có khoảng 50% người cao tuổi gặp phải các vấn đề bất thường liên quan đến giấc ngủ.

Có khoảng 50% người cao tuổi gặp phải các vấn đề bất thường liên quan đến giấc ngủ.

3. Suy giảm thính giác, mất thị lực

Suy giảm thị lực là vấn đề thường gặp gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người cao tuổi. Quá trình lão hóa biểu hiện khá rõ và dễ nhận thấy nhất chính là suy giảm giác quan nhìn. Có nhiều nguyên nhân gây ra vấn đề này, trong đó nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực là đục thủy tinh thể.

Đối với suy giảm thính giác, sau 40 tuổi có sự thay đổi về cấu trúc cơ quan thính giác như giảm số lượng các tế bào lông, hạch, giảm máu cung cấp cho vùng ốc tai. Người cao tuổi đa phần thường gặp một vấn đề nào đó về thính giác như lãng tai, điếc... gây ra những ảnh hưởng nhất định đối với việc tiếp nhận thông tin từ người đối diện.

4. Mất ngủ, khó ngủ

Mất ngủ, khó ngủ hay còn gọi là rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi là tình trạng phổ biến. Có khoảng 50% người cao tuổi gặp phải các vấn đề bất thường liên quan đến giấc ngủ. Trong đó, phổ biến hơn cả là tình trạng khó ngủ, mất ngủ ở người cao tuổi. Chứng mất ngủ hay bệnh mất ngủ ở người cao tuổi không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe, tiềm ẩn nguy cơ rút ngắn tuổi thọ.

5. Yếu, mê sảng, nguy cơ té ngã

Ở người cao tuổi, cơ thể với các chức năng đang dần lão hóa, cơ thể yếu hơn so với trước kia, đặc biệt là hệ miễn dịch. Vì vậy, người cao tuổi là đối tượng mắc nhiều loại bệnh. Hơn nữa do cơ thể sau nhiều năm làm việc, lao động, các bệnh lý tích tụ khiến cơ thể yếu hơn cùng với việc người cao tuổi thường ngại hoạt động tập thể dục khiến cơ thể ngày càng yếu dần đi.

Người cao tuổi cũng dễ bị mê sảng. Đây là một rối loạn tâm thần có tính bất ngờ, không đề phòng trước được. Người cao tuổi mắc chứng mê sảng thường không còn khả năng chú ý, mất phương hướng, nhận thức suy giảm, hành vi, tính cách và cảm xúc thay đổi.

Ở người cao tuổi, khi các cơ quan chậm chạp nhất là vấn đề về xương khớp, mắt kém nên dễ bị té ngã. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người cao tuổi. Những thay đổi về tuổi tác thường làm giảm các hệ thống liên quan đến việc duy trì cân bằng, khiến người cao tuổi dễ bị ngã hơn.

6. Chóng mặt

Chóng mặt là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi, có thể biểu hiện ở nhiều tư thế khác nhau nhưng hay gặp nhất là khi đang nằm xuất hiện chóng mặt, đặc biệt là khi thay đối tư thế (đang nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng trái hoặc nghiêng phải).

Chóng mặt thường có kèm theo một số triệu chứng khác như quay cuồng, hoa mắt, ù tai gây khó chịu cho người bệnh và rất dễ tái phát.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chóng mặt liên quan đến tiền đình, thiếu máu não là một triệu chứng thường gặp và chóng mặt do nguyên nhân nào cũng đều nguy hiểm với người cao tuổi. Khi bị chóng mặt, người cao tuổi cần tới cơ sở y tế để khám và nên chọn tư thế nằm thoải mái (nằm nghiêng hoặc nằm ngửa), không nên gắng gượng đi tiếp để tránh nguy cơ té ngã, chấn thương. Trong lúc nằm nghỉ, cần tránh thay đổi tư thế, tránh tiếng động, ồn ào và ánh sáng chói như ánh sáng mặt trời, ánh sáng đèn.

BS. Phạm Thị Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/6-van-de-thuong-gap-o-nguoi-cao-tuoi-169241002221616156.htm