Nhiều nước Bắc Phi đối mặt làn sóng dịch COVID-19 mới

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Beja, Tunisia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều quốc gia ở khu vực này như Tunisia, Maroc, Libya và Algeria đang đối mặt với sự bùng phát mạnh mẽ của làn sóng dịch COVID-19 mới.

Bộ Y tế Tunisia ngày 9/7 cho biết nước này đã ghi nhận 8.506 ca mắc COVID-19 mới và 189 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này đến nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tunisia đã có 481.735 ca mắc COVID-19 và 16.050 ca tử vong. Trong số các ca bệnh có 378.917 người đã được chữa khỏi, 4.345 người vẫn đang phải điều trị trong bệnh viện.

Trước làn sóng dịch mới này, Tunisia đang lên kế hoạch phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các cơ quan y tế nhà nước và dân sự tại 24 tỉnh thành để tăng cường chiến dịch tiêm chủng. Các bệnh viện dã chiến di động cũng sẽ được thiết lập ở những vùng có diễn biến dịch nguy hiểm.

Trong hai tuần qua, các bệnh viện trên toàn Tunisia, kể cả các bệnh viện dã chiến, đều trong trình trạng quá tải và Bộ Y tế nước này đã phải cảnh báo tình trạng thảm họa.

Hiện các nhân viên y tế ở Tunisia không đủ sức chống chọi với số ca nhiễm mới liên tục tăng cao, trong khi các nhà xác cũng không còn đủ chỗ và nhân lực để tiếp nhận thêm những người tử vong.

Trong khi đó, Maroc cũng đã ghi nhận 1.336 ca mắc COVID-19 và năm ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 538.589 người, trong đó có 9.346 người đã tử vong. Tính đến thời điểm này, Maroc mới chỉ tiêm liều vắcxin đầu tiên được cho 10.317.807 người và tiêm liều thứ hai cho 9.213.535 người. Nước này đặt mục tiêu sẽ tiêm phòng miễn phí cho 80% dân số.

Còn tại Algeria, Bộ Y tế nước này thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 831 ca mắc COVID-19 mới, mức kỷ lục trong nhiều tháng trở lại đây, cùng với 13 ca tử vong. Như vậy nước này đã có 144.483 ca bệnh khiến 3.811 người tử vong.

Trước trình trạng số ca lây nhiễm tăng cao, Bộ Y tế Algeria yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và không vi phạm giờ giới nghiêm.

Còn tại Libya, số trường hợp mắc COVID-19 cũng tăng mạnh trong nhiều ngày và trong 24 giờ qua đã có thêm 1.710 ca mắc mới và 5 ca tử vong. Như vậy Libya đã có tổng cộng 201.236 ca mắc COVID-19, khiến 3.232 người tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC Châu Phi), tính đến hết ngày 8/7, châu lục này đã ghi nhận gần 5,8 triệu ca mắc COVID-19 và 148.736 ca tử vong. Đã có hơn 5,013 triệu người được chữa khỏi. Mười quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất châu lục này gồm Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia, Libya, Kenya, Zambia, Nigeria và Algeria. Tính theo khu vực thì miền Nam châu Phi có số ca mắc nhiều, tiếp theo là khu vực Bắc Phi.

Trong khi đó, ngày 9/7, Nga thông báo nước này có thêm 25.766 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 2/1 trong bối cảnh giới chức đang nỗ lực kiểm soát số ca bệnh gia tăng do biến thể Delta gây ra.

Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận thêm 726 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 141.501 ca, trong tổng số 5.733.218 ca mắc COVID-19. Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, gần 30 triệu người ở nước này đã tiêm mũi vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên. Hiện các cơ quan chức năng đang khuyến khích người dân tiêm vắcxin ngừa COVID-19 do số ca nhiễm mới bắt đầu tăng mạnh vào tháng trước.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo biến thể Delta có thể là nguyên nhân gây ra phần lớn các ca nhiễm mới ở nước này từ cuối tuần này trở đi. Phát biểu trên Đài Phát thanh France Inter, Bộ trưởng Veran cho biết biến thể Delta hiện chiếm gần 50% trong số các ca mắc mới. Ông nêu rõ làn sóng dịch bệnh thứ 4 có thể xuất hiện ở nước này sớm nhất là vào cuối tháng này, đồng thời kêu gọi người dân tích cực đi tiêm vắcxin phòng bệnh.

Số ca nhiễm mới tại Pháp đã giảm xuống mức trung bình 1.800 ca/ngày trong 7 ngày vào cuối tháng 6 so với mức hơn 42.000 ca nhiễm/ngày vào giữa tháng 4. Tuy nhiên, kể từ đó, xu hướng này đã đảo chiều và số ca nhiễm mới mỗi ngày hiện nay tăng trở lại trên 4.000 ca/ngày. Theo kế hoạch, các bộ trưởng cấp cao sẽ họp vào ngày 12/7 tới để thảo luận về nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch bệnh thứ 4. Chính phủ Pháp thông báo đang cân nhắc mọi kịch bản có thể xảy ra.

Cũng trongngày 9/7, Bộ Y tế Cuba (Minsap) công bố con số lây nhiễm trong ngày cao chưa từng thấy kể từ đầu mùa dịch với 6.422 ca dương tính với SARS-CoV-2. Thông báo cập nhật của Minsap cho biết cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong do dịch COVID-19 là 26 người, cũng là con số kỷ lục ghi nhận trong ngày.

Theo Minsap, hơn một nửa số ca nhiễm ghi nhận trong 24 giờ qua là tại tỉnh miền Tây Matanzas (3.559 ca), điểm nóng mới của dịch bệnh tại đảo quốc Caribe. Ngoài ra, thủ đô La Habana đã có dấu hiệu tăng trở lại tình trạng lây nhiễm sau nhiều ngày ghi nhận các con số giảm.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm, thiết bị và dụng cụ y tế Cuba (CECMED) công bố đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin mang tên Abdala do chính nước này bào chế, trở thành loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên được phát triển tại Mỹ Latin.

Tại Indonesia, ngày 9/7, Ngoại trưởng Retno Marsudi cho biết tính đến nay, quốc gia này đã tiếp nhận tổng cộng 119.735.200 liều vắcxin ngừa COVID-19 thông qua hợp tác song phương cũng như đa phương.

Cụ thể, số vắcxin trên bao gồm 108,5 triệu liều từ hãng Sinovac, 1,5 triệu liều từ hãng Sinopharm, 8.236.800 liều vắcxin AstraZeneca từ Cơ chế COVAX, 998.400 liều vắcxin AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ, và 500.000 liều vắcxin của Sinopharm do Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) chuyển giao.

Phát biểu họp báo trực tuyến với các phóng viên nước ngoài, Ngoại trưởng Retno cũng cho hay tính đến nay, Indonesia đã tiêm 49,6 triệu liều vắcxin, đứng thứ tư ở châu Á về số lượng tiêm chủng. Dự kiến trong những ngày tới, Indonesia sẽ tiếp nhận lô vắcxin Moderna với hơn 3 triệu liều do Mỹ viện trợ, 1,1 triệu liều vắcxin AstraZeneca do Nhật Bản viện trợ.

Cũng trong tháng này, Indonesia dự kiến sẽ tiếp nhận nhiều lô vắcxin đặt mua hoặc được chia sẻ từ Úc, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, UAE và Cơ chế COVAX.

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 tại các khu vực biên giới, đặc biệt ở những nơi giáp Thái Lan, nhằm ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập.

Tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Campuchia ngày 9/7, Thủ tướng Hun Sen đã bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng số ca nhiễm COVID-19 là lao động nhập cảnh từ Thái Lan, hầu hết qua cửa khẩu hai tỉnh Banteay Meanchey và Oddar Meanchey của Campuchia.

Thủ tướng Campuchia đánh giá: “Trước đây chỉ có từ 20 đến 30 ca nhiễm COVID-19 trong số 1.000 lao động từ Thái Lan nhập cảnh, nhưng tình hình hiện nay đã khác, khi có hơn 100 ca nhiễm COVID-19 trong số 300 lao động nhập cảnh và sau đó lên đến gần 200 ca nhiễm trong số 500 lao động nhập cảnh”.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng Hun Sen chỉ đạo cơ quan chức năng trong nước tăng cường kiểm dịch tại biên giới Campuchia - Thái Lan để ngăn chặn sự lây nhiễm của biến thể Delta (biến thể phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ), trong lúc biến thể Alpha (phát hiện đầu tiên tại Anh) vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại Campuchia. Thủ tướng Hun Sen cảnh báo: “Nếu chúng ta không thể ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập cộng đồng, đó sẽ là thảm họa thực sự”.

Ngày 9/7, Campuchia đã phát hiện 988 ca mắc mới COVID-19 và 30 ca tử vong do căn bệnh này, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 59.045 ca và 855 ca.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260966/nhieu-nuoc-bac-phi-doi-mat-lan-song-dich-covid-19-moi.html