Nhiều nước cảnh báo ảnh hưởng của phim Squid Game với trẻ em
Squid Game (Trò chơi con mực) là seri phim kinh dị, nổi tiếng toàn cầu, được nhiều người xem nhất trên Netflix chỉ trong 1 tháng ra mắt.
Những trò chơi ghê rợn, chết chóc trong phim được xem là phép ẩn dụ để lột tả sự khắc nghiệt, tranh đua giữa đời thường.
Nhưng với trẻ em, những trò chơi, hình ảnh bạo lực trên phim có thể gây tác động tâm lý nghiêm trọng.
Poster phim “Squid Game”. Ảnh: Netflix
Khó cấm triệt để
Trong Squid Game, các nhân vật sẽ vượt thử thách mô phỏng trò chơi dân gian của trẻ em Hàn Quốc, để tranh giải thưởng lớn bằng tiền mặt.
Qua mỗi vòng, người thua cuộc sẽ bị tiêu diệt. Những trò chơi dân gian vốn rất vui vẻ của trẻ em Hàn Quốc được tổ chức trên những sân đấu lớn và khi kết thúc trò chơi, đấu trường thường ngập trong máu và xác người.
Nếu được xem những trò chơi trên phim bị biến đổi theo cách kích thích và tạo cảm xúc ghê rợn như vậy, liệu những em nhỏ còn non nớt có còn cảm thấy vui vẻ và hồn nhiên khi tham gia những trò chơi dân gian trong đời thực?
Tại Australia, Squid Game bị giới hạn với người xem dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, giới hạn tuổi thôi là chưa đủ. Gần đây, một trường học tại Australia đã phải ra cảnh báo khi có rất nhiều trẻ chỉ mới 6 tuổi đang giải trí bằng những trò chơi mô phỏng lại bộ phim này.
Một hội đồng tại miền Nam nước Anh gần đây cũng gửi thư điện tử, nhắc nhở các bậc phụ huynh phải kiểm soát con cái sau khi họ nhận được rất nhiều báo cáo “người trẻ đang sao chép các trò chơi và tính chất bạo lực” của Squid Game.
Những cảnh báo tương tự đã được cơ quan quản lý giáo dục tại thành phố Sydney và bang West Australia đưa ra với người dân.
Tuy có nhiều cảnh báo các bậc cha mẹ không nên để trẻ xem Squid Game trên truyền hình nhưng những nội dung, hình ảnh, video hay trò chơi liên quan tới phim từ lâu đã đầy rẫy trên mạng xã hội Tik Tok, YouTube - vốn rất nổi tiếng với trẻ nhỏ và thanh thiếu niên.
Không ít kênh YouTube Kids (dành cho các bé dưới 12 tuổi) đã thành công nhờ bắt theo xu hướng Squid Games, chẳng hạn như kênh của nền tảng Roblox.
Roblox là một nền tảng trực tuyến cho phép hàng triệu người dùng tự tạo trò chơi 3D và chia sẻ trải nghiệm bằng các công cụ tùy chỉnh, dành cho độ tuổi trẻ em và thiếu niên.
Hiện tại Squid Game đang là chủ đề rất nổi bật được nhiều người dùng Roblox lựa chọn. Nhiều video trải nghiệm Squid Game của Roblox trên YouTube Kids đã thu hút tới hàng nghìn thậm chí hàng triệu lượt xem.
Trên cả nền tảng YouTube chính và YouTube Kids, những video có người chơi trò “đèn đỏ, đèn xanh” - một trong những trò chơi được biết đến nhiều trong Squid Game, luôn ở top nổi bật.
Trò “đèn đỏ, đèn xanh” cũng là xu hướng được yêu thích trên Tik Tok, người dùng đăng video chơi trò này trong đủ loại bối cảnh từ đời thực đến video game.
Tuy hầu hết các nội dung video trên YouTube Kid đều vô thưởng vô phạt nhưng có thể cho thấy Squid Game đã len lỏi vào những nội dung kỹ thuật số, nhắm tới các đối tượng trẻ như thế nào, theo Channel News Asia.
Ranh giới mong manh
Chủ đề trò “đèn đỏ, đèn xanh” trong Squid Game rất nổi trên nền tảng Roblox. Ảnh: YouTube
Hiện tại chưa có nội dung nào về Squid Game trên Tik Tok hay YouTube tới mức nguy hiểm nhưng khi xu hướng, từ khóa về Squid Game nhan nhản, đầy tính kích thích, sẽ khiến trẻ tò mò về bộ phim này.
Theo tờ Washington Post, đã có rất nhiều bậc cha mẹ phàn nàn rằng con cái họ về nhà đòi xem bằng được phim Squid Game, một số trẻ bị cấm thì tìm cách xem trộm. Nhiều trẻ muốn mặc giống như những nhân vật trong phim trong lễ Halloween sắp tới.
Troy, một cậu bé lớp 6 tại Mỹ, vừa được bố mẹ cho sử dụng điện thoại từ năm ngoái cho biết, cậu biết đến bộ phim từ một số người làm YouTube.
Sau đó, chỉ trong 3 ngày, Troy đã “cày” tất cả 9 tập phim qua điện thoại và chơi tất cả các trò liên quan tới Squid Game trên Roblox.
Trước những e ngại của các bậc phụ huynh và cơ quan quản lý của nhiều khu vực, Roblox khẳng định, nền tảng này có tiêu chuẩn an toàn, không cho phép các nội dung chứa hình ảnh bạo lực quá mức hoặc lạm dụng về tâm lý, thể xác nghiêm trọng”. Điều phối viên của Roblox có thể giải quyết các nội dung xấu trong vài phút.
Về phía Netflix, đại diện dịch vụ phát trực tuyến cho biết, “Squid Game” được dán nhãn dành cho khán giả đã trưởng thành, đồng nghĩa không phù hợp với người từ 17 trở xuống.
“Chúng tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ hãy tăng cường kiểm soát để đưa ra lựa chọn phù hợp cho gia đình mình”, thông báo nêu rõ.
YouTube và Tik Tok đều phải điều trần trước Thượng viện Mỹ
Mạng xã hội video Tik Tok cho phép trẻ trên 13 tuổi tiếp cận đầy đủ với ứng dụng nhưng đã có nhiều báo cáo cho thấy trẻ nhỏ tuổi hơn vẫn đang sử dụng Tik Tok. Hiện tại cả YouTube và Tik Tok đều phải điều trần trước Thượng viện Mỹ về vấn đề an toàn với trẻ nhỏ.
Sau khi YouTube bị Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ phạt tới 170 triệu USD vào năm 2019, ứng dụng này đã có nhiều thay đổi lớn để phân biệt rõ hơn nội dung giữa trẻ em và người lớn. Chẳng hạn như người sáng tạo nội dung phải thông báo với YouTube nếu nội dung của họ dành cho trẻ nhỏ. YouTube cũng sử dụng công nghệ học máy để xác định những video nhắm tới đối tượng trẻ.