Nhiều nước đã coi nhiệt điện than là quá khứ, Việt Nam còn chờ đến bao giờ?
Sáng nay (20/4), tại Diễn đàn phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo tại Việt Nam, một số diễn giả tiếp tục đề cập đến vấn đề giảm dần việc sử dụng điện than tại Việt Nam.
Quang cảnh diễn đàn.
Theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam hiện đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và tác động ngày càng tăng, ô nhiễm ngày càng trầm trọng, nhiều vấn đề môi trường trở nên nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, Việt Na, vẫn phải tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, báo cáo về xu thế đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái tạo năm 2019 cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2019 đã có hơn 2.600 tỷ USD rót vào lĩnh vực này, trong đó năng lượng mặt trời thu hút đầu tư nhiều nhất (chiếm khoảng 52%), tiếp đến là năng lượng gió (chiếm khoảng 41%), năng lượng sinh khối và chất thải là 4%, trong khi địa nhiệt và đại dương thu hút đầu tư thấp nhất.
Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, trên thế giới, xu hướng sử dụng nhiệt điện than đã giảm mạnh trong những năm qua. Ấn Độ hủy bỏ 50% dự án này và công suất của các nhà máy chỉ hoạt động ở mức 60%. Anh, Úc, Hàn Quốc thành lập liên minh “các nước coi Than là quá khứ”.
Mặc dù tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện dự báo giảm nhưng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (than và khí đốt) vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện ngày càng tăng, sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) rất cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới.
Ở nước ta, điện mặt trời, điện gió đang phát triển khá nhanh nhưng các điện sinh khối lại gặp khó khăn.
Bà Lê Thị Thoa, Chuyên viên cao cấp dự án bảo vệ khí hậu (BEM) cho biết Việt Nam là đất nước nông nghiệp với rừng vàng biển bạc nhưng sự phát triển điện sinh khối rất khó khăn. “7 năm tiến hành mà chưa phát triển được hiện nay bị trượt giá so với điện gió. Các nhà máy mía đường bị thu hẹp chỉ còn 16 và nguy cơ giảm xuống còn 10 là rất cao”.
“Các cơ quan bộ, ngành và chính quyền địa phương chưa có sự hợp tác chặt chẽ mang tính tổng thể xuyên suốt. Đặc biệt là quy hoạch cùng nguyên liệu”, bà Thoa nói.
Về chiến lược thu hút vốn đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, theo bà Nguyễn Thị Diệu Trinh, nhà nước sẽ đầu tư 30% còn 70% là các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước. Việc cung cấp năng lượng sạch sẽ không còn độc quyền mà là thị trường cạnh tranh trong tương lai.
Theo số liệu từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong gần 10 năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kW giờ vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kW giờ năm 2019. Trong thời gian tới, sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình 5,6%/năm, từ 245 tỷ kW giờ năm 2020 lên 950 tỷ kW giờ vào năm 2045.
Cũng theo báo cáo tại hội thảo, trong 2 năm qua, nước ta có sự bùng nổ về phát triển điện năng lượng mặt trời, đóng góp 11GW và trở thành lĩnh vực được đầu tư mạnh nhất. Điện than tuy nằm trong quy hoạch nhưng chỉ đạt 57% chỉ tiêu.
“Điện mặt trời phát triển vượt bậc cho thấy cái nhìn của thị trường rất khác so với chính sách quy hoạch”, bà Ngụy Thị Khanh nói.
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt điện mặt trời trong bối cảnh thiếu chính sách ở tầm nhìn dài hạn gây ra không ít những khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường.
Ông Đào Du Dương, Giám đốc công ty TNHH Bảo Long Solar Energy cho biết: “Doanh nghiệp gặp khó khăn về huy động vốn đầu tư khi các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương lại không có lãi xuất ưu đãi. Doanh nghiệp không được hỗ trợ được gì”.
“Việc để phát triển quá nóng thị trường năng lượng mặt trời làm cho hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp giảm xuống. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ trong ngắn hạn, khoảng 1 năm. Khi hết hạn, các nhà cung cấp nước ngoài lợi dụng vào đó để nâng giá thiết bị nên tổng chi phí đầu tư bị đẩy lên rất cao”, ông Dương nói. Theo ông Dương: “Chính phủ và Bộ Công Thương cần có những chính sách dài hạn hơn để tránh tình trạng làm nhanh làm ẩu sẽ gây hỗn loạn thị trường và giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp”.
Việt Nam có gì ngoài chính sách trong sự phát triển năng lượng cùng với thế giới? Nhưng một chính sách dài hạn có thể coi là một bộ luật năng lượng sạch là điều chúng ta đang thiếu hiện nay. Nhưng nhìn lên trên, bà Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ khoa học, giáo dục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bày tỏ rằng “năng lực của các cán bộ làm chính sách còn rất hạn chế”.