Nhiều nước đang sử dụng sách giáo khoa thế nào?

Ở mỗi quốc gia trên thế giới có nhiều cách sử dụng sách giáo khoa khác nhau.

Là phụ huynh có hai con đang học bậc tiểu học và THCS tại thành phố Sydney (Australia), chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, anh Phạm Đức Tuân cho biết, Australia không có sách giáo khoa (SGK). Các nhà xuất bản Australia vẫn in ấn các tài liệu phục vụ học tập trong chương trình phổ thông dựa theo khung chương trình do cơ quan giáo dục các bang xây dựng nhưng họ không gọi đó là SGK mà là tài liệu dạy và học.

Dựa trên khung chương trình, giáo viên có thể chọn tài liệu, sách để giảng dạy hoặc thậm chí tự do sáng tạo, thiết kế chương trình dạy phù hợp miễn sao đáp ứng được kiến thức và nội dung chương trình. Học sinh có thể mua sách bài tập tham khảo để bổ trợ kiến thức nhưng không bắt buộc. "Sách tham khảo ở đây rất đa dạng và biên soạn công phu. Hệ thống giáo dục công lập tại Australia là hoàn toàn miễn phí", anh Tuân kể.

Tại Phần Lan, em Phạm Quốc Khánh - du học sinh năm hai Trường ĐH công nghệ Lappeenranta (LUT) cho biết, trong hệ thống trường học của Phần Lan, SGK và tài liệu giáo dục được cung cấp miễn phí cho học sinh. Học sinh thường không sở hữu SGK, thay vào đó, sách thường được nhà trường cung cấp và trả lại vào cuối năm học để các học sinh khác sử dụng lại. Giáo viên Phần Lan có quyền tự chủ cao trong việc lựa chọn phương pháp và tài liệu giảng dạy, kể cả SGK. Họ được khuyến khích lựa chọn các nguồn tài nguyên phù hợp nhất với nhu cầu, sở thích và phong cách học tập của học sinh.

"Ngoài SGK cung cấp miễn phí cho học sinh thì học phí, tiền ăn trưa, chi phí cho dụng cụ học tập và các hoạt động ngoại khóa đều miễn phí", Quốc Khánh chia sẻ.

Còn tại Nhật Bản, anh Ando Sakiko - một người dân tại tỉnh Chiba cho biết, học sinh tại các trường công lập ở Nhật Bản được phát miễn phí SGK. Nhật Bản áp dụng nhiều bộ SGK, mỗi tỉnh sẽ được quyền lựa chọn bộ sách phù hợp với văn hóa, đặc trưng riêng. Các trường tư nhân hoặc bán công thì có thể học phí đã bao gồm SGK hoặc học sinh sẽ tự mua riêng SGK. "Bắt đầu tư năm 2024, SGK điện tử cũng sẽ được cấp miễn phí trên nền tảng kỹ thuật số và mỗi học sinh tiểu học và THCS được cấp một chiếc máy tính phục vụ học tập".

Ở mỗi quốc gia lại có cách sử dụng sách giáo khoa khác nhau.

Ở mỗi quốc gia lại có cách sử dụng sách giáo khoa khác nhau.

Tại Hàn Quốc, từ năm 2021, toàn bộ học sinh từ cấp tiểu học lên đến THPT tại Hàn Quốc đều được hưởng giáo dục miễn phí (bao gồm tiền học phí, sách giáo khoa và phí hỗ trợ vận hành trường học). Mỗi trường sẽ sử dụng một bộ SGK khác nhau. Sau khi sử dụng, các học sinh không phải trả lại sách.

Để giúp các trường học đa dạng hơn về nội dung học tập, vào năm 2025, Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ áp dụng sách giáo khoa kỹ thuật số AI tại các trường tiểu học và THCS nước này từ năm 2025. Cụ thể, học sinh tiểu học lớp 3 và lớp 4, học sinh năm nhất THPT sẽ là những đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ SGK tùy chỉnh kỹ thuật số cho môn toán, tiếng Anh và tin học từ năm 2025. SGK kỹ thuật số sẽ được áp dụng cho tất cả các môn học từ năm 2028, ngoại trừ những môn học dựa trên hoạt động, chẳng hạn như âm nhạc, nghệ thuật và thể dục cùng đạo đức.

Tại Trung Quốc, SGK ở tiểu học và trung học do cơ quan giáo dục cấp tỉnh, thành phố hoặc cấp huyện chọn. Mỗi khu vực phải chọn ít nhất ba bộ SGK trong số những bộ được phép sử dụng.

Tại Mỹ, SGK không phải tài liệu bắt buộc sử dụng trong lớp học. Các nhà xuất bản tư nhân sẽ biên soạn SGK. Ước tính, SGK chỉ chiếm khoảng 15 - 20% lượng tài liệu dạy và học. Giáo viên có thể tiếp cận nhiều nguồn tài liệu khác để soạn giáo án phù hợp với khung chương trình giáo dục phổ thông. Việc lựa chọn sách giáo khoa phụ thuộc vào chính quyền bang. Một số bang sẽ phân phát SGK miễn phí cho học sinh các trường công lập. Một số bang chỉ miễn tiền SGK cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và không đủ khả năng chi trả.

Chị Trần Hồng Nhung có trung tâm về du học tại thị trường Canada cho biết, tại Canada, SGK chỉ là một trong nhiều tài liệu giảng dạy nên không có tình trạng phụ thuộc vào SGK. Chính quyền bang và cơ quan giáo dục bang có toàn quyền đối với giáo dục như lựa chọn SGK, xây dựng khung chương trình... "SGK tại Canada cũng được các nhà xuất bản tư nhân đảm nhiệm. Và giáo dục tại Canada là miễn phí. Học sinh công lập, kể cả học sinh người nước ngoài, không phải mua SGK".

Tại Việt Nam, hiện nay, học sinh cả nước học chủ yếu 3 bộ SGK gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo. Ba bộ sách này thuộc các nhà xuất bản: Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông, cùng với dạy và học SGK mới không lần lượt mỗi năm một lớp mà theo lộ trình như sau:

- Năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện SGK mới ở lớp 1.

- Năm 2021 áp dụng SGK mới với lớp 2, lớp 6.

- Năm 2022 thực hiện ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.

- Năm 2023 thực hiện ở lớp 4, lớp 8, lớp 11.

- Năm 2024 thực hiện ở lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Như vậy, đến năm sau là tất cả 12 lớp của bậc phổ thông đều dạy và học SGK mới.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhieu-nuoc-dang-su-dung-sach-giao-khoa-the-nao-169230821083201351.htm