Nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách đến từ Nam châu Phi
Trước sự xuất hiện của chủng virus mới Omicron, ngày 3/12, ngày càng có thêm nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia Nam châu Phi.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 3/12, các nước ASEAN ghi nhận thêm 25.578 ca mắc mới COVID-19 và 407 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện trong toàn khu vực đã trên 14.166.000 trường hợp và 293.177 ca tử vong.
Ngày 3/12, có 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới; 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Singapore, Lào và Việt Nam.
Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron ở Nam Phi, ngày càng có thêm nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi.
Malaysia áp dụng quy định hạn chế khách nước ngoài nhập cảnh vào đảo Langkawi. Trong ảnh: Khách du lịch tới đảo Langkawi, ngày 16/9/2021. Ảnh: AFP
Mới đây nhất, Bộ Y tế Malaysia (MOH) thông báo, du khách từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ được coi là có nguy cơ cao từ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, sẽ không được phép vào đảo Langkawi theo sáng kiến “bong bóng du lịch”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký MOH Noor Hisham Abdullah cho biết, ngoài du khách, bất kỳ cá nhân nào có lịch sử đi lại tới các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên trong 14 ngày gần đây cũng bị từ chối nhập cảnh vào hòn đảo du lịch này.
Danh sách này bao gồm Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Australia, Canada, Hàn Quốc, Hong Kong, Israel, Italy, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Nigeria, Bungari, Nhật, Brazil, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Pháp, Áo, quần đảo Reunion (Pháp), Tây Ban Nha, Saudi Arabia, Ghana, Ireland, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ.
Trước đó, ngày 1/12, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin thông báo Malaysia sẽ tạm thời cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ 8 quốc gia châu Phi được xác định đã xuất hiện biến thể Omicron hoặc có nguy cơ cao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Zimbabwe và Malawi.
Ngoài lệnh cấm nhập cảnh, Malaysia cũng sẽ hoãn các kế hoạch thiết lập làn đi lại cho người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 với những nước nói trên, đồng thời tái áp đặt quy định cách ly với công dân và người nước ngoài thường trú dài hạn trở về từ những nước có trong danh sách.
Lào cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập cảnh đối với du khách đến từ 9 nước châu Phi. Theo đó, công dân đến từ các nước Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini, Seychelles, Malawi và Mozambique bị cấm nhập cảnh vào Lào.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết nước này đang tăng cường xét nghiệm COVID-19 đối với tất cả công dân của các quốc gia trên thế giới khi nhập cảnh vào Lào nhằm sớm phát hiện biến thể mới Omicron để có biện pháp giám sát và cách ly phù hợp.
Bên cạnh đó, trước sự xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2, Bộ Y tế Lào khuyến nghị người từng mắc COVID-19 hoặc người đã tiêm 2 mũi vaccine nên tiêm mũi nhắc lại để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
Bộ trên cho biết người có đủ điều kiện tiêm mũi vaccine tăng cường có thể lựa chọn bất kỳ loại vaccine nào sẵn có như vaccine của các hãng Pfizer, Johnson & Johnson, AstraZeneca. Chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường cho người đã tiêm vaccine của Sinopharm có thể được triển khai vào tháng 1/2022. Hiện tại, nhiều nhân viên y tế tại Lào đã được tiêm mũi vaccine thứ 3 không cùng loại với các mũi vaccine tiêm trước đó.
Tại Indonesia, để đề phòng biến thể mới Omicron, nước này đã cấm nhập cảnh toàn bộ hành khách đến từ 11 quốc gia, ngoại từ người Indonesia trở về nước và bị cách ly 14 ngày.
Các nhà chức trách Indonesia đã thắt chặt biên giới, mở rộng kiểm dịch và hạn chế di chuyển trong một động thái đi trước nhằm hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron.
Indonesia, từng là một điểm nóng dịch ở châu Á, vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể Omicron, nhưng đang tăng cường các biện pháp để giảm thiểu tác động tiềm tàng, bao gồm mở rộng thời gian cách ly bắt buộc từ 7 ngày lên 10 ngày.