Nhiều nước kéo dài thời gian giãn cách xã hội
Trong vòng 24h qua, tính tới 6h sáng 17/4, thế giới đã ghi nhận thêm 91.817 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6.855 người tử vong. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu vượt 2.178.000 triệu người, trên 145.000 ca tử vong, khiến nhiều nước đồng loạt kéo dài thời gian giãn cách xã hội hoặc phong tỏa.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 17/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 2.178.149 trường hợp, trong đó có 145.329 người tử vong.
Đến nay, đại dịch COVID-19 đã tấn công 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 546.296 bệnh nhân COVID được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 57.060 người đang trong tình trạng nguy kịch và 1.481.923 đang được điều trị tích cực.
Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số ca nhiễm mới, ca tử vong mới trong ngày, cũng như về tổng số ca mắc bệnh và tổng số ca tử vong tính tới ngày 17/4. Đây là ngày thứ 8 liên tiếp Mỹ ghi nhận số người thiệt mạng vì COVID-19 ở mức trên 1.000 người. Trong khi đó, châu Âu tiếp tục xu thế “hạ nhiệt” căng thẳng dịch bệnh, dù vậy, số người tử vong trong vòng 24h qua cũng ở mức trên 3.000 người.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 16/4 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tại tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất này đến ngày 15/5, mặc dù số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 được ghi nhận trong vòng một ngày qua ở mức thấp nhất trong 10 ngày liên tục. Ông Cuomo cho rằng, cần phải chứng kiến số ca nhiễm giảm nhiều nữa trước khi có thể nới lỏng lệnh phong tỏa tại bang này. Như vậy, 7 bang Đông Bắc Mỹ đã tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 15/5.
Cho dù số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ vẫn rất cao, nhưng Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ đã vượt qua đỉnh dịch và quyết định công bố các kế hoạch đầu tiên về việc dỡ bỏ phong tỏa. Ông Trump rõ ràng đang đứng trước sức ép rất lớn phải ghi điểm đẹp về kinh tế khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và nước Mỹ lại ghi nhận thêm 5,2 triệu người lao động rơi vào cảnh mất việc làm và xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước.
Tại Mexico, cơ quan y tế dự báo đỉnh dịch sẽ diễn ra từ ngày 8-10/5 tới và có thể kết thúc chu kỳ đầu tiên của dịch, khi 95% các ca bệnh được xác định, vào ngày 25/6. Tính tới thời điểm sáng 17/4 theo giờ Việt Nam, Mexico ghi nhận 5.847 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 449 ca tử vong.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến ngày một phức tạp, Chính phủ Mexico đã quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm một tháng tới ngày 30/5.
Trước đó, Chính phủ Mexico ngày 30/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia, qua đó hàng loạt biện pháp đã được áp dụng, gồm đình chỉ lập tức các hoạt động không thiết yếu trong khu vực công và tư nhân cho đến ngày 30/4, không tổ chức các cuộc họp hoặc hội nghị gồm hơn 50 người và tuân thủ nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội.
Châu Âu vẫn “nóng”
Trong vòng 24h qua, châu Âu là nơi ghi nhận dịch bệnh nghiêm trọng nhất thế giới với 43.481 ca bệnh mới, thêm 3.905 người tử vong, nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong ở châu lục này lên lần lượt 1.014.238 và 92.224 trường hợp.
Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Bộ Y tế nước này hết ngày 16/4 thông báo số ca tử vong do bệnh COVID-19 đã tăng lên thành 19.315 người. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 551 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 523 một ngày trước đó. Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 5.183 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 184.948 ca.
Nước ghi nhận số ca tử vong cao nhì thế giới là Italy với 22.170 người, tăng thêm 525 người so với số liệu một ngày trước đó. Từng là tâm dịch lớn nhất ở châu Âu, hiện số người nhiễm tại quốc gia này là 168.941 người, thấp hơn nhiều so với Tây Ban Nha. Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc tới 3/5, song cho phép một số loại cửa hàng mở lại hôm 14/4.
Pháp, Anh tiếp tục là các điểm nóng dịch COVID-19 tại châu Âu. Hiện tổng số ca nhiễm ở Pháp là 165.027, bao gồm 17.920 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 17.164 ca nhiễm mới và 753 ca tử vong. Anh có tổng số ca nhiễm là 103.093 và 13.729 người trong số đó đã tử vong. Nước này có thêm 4.617 ca nhiễm mới và 861 ca tử vong.
Chính phủ Anh hôm qua quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm ít nhất 3 tuần do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. “Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm bây giờ là nới lỏng lệnh hạn chế quá sớm”, Ngoại trưởng Anh Dominic Raad cho hay.
Tại châu Á, hôm 16/4, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước kéo dài đến ngày 6/5. Trước đó, hôm 7/4, ông đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp với Tokyo, Osaka và 5 tỉnh.
Nga hoãn duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng
Cũng liên quan tới dịch COVID-19, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định hoãn cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày chiến thắng phát-xít ở Moscow. “Những rủi ro liên quan đến dịch bệnh vốn chưa đạt đỉnh là cực kỳ cao. Tình hình này không cho tôi quyền bắt đầu chuẩn bị cuộc duyệt binh và những sự kiện đại chúng khác lúc này”, ông Putin tuyên bố.
Tuy nhiên, ông cũng cam kết sự kiện bị hoãn nói trên sẽ được tổ chức vào cuối năm nay. “Chúng ta chắc chắn sẽ tổ chức tất cả những sự kiện vốn đã được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 9/5. Sẽ có cuộc duyệt binh chính trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow và cuộc diễu hành của trung đoàn bất tử. Các sự kiện chắc chắn sẽ diễn ra”, ông cho hay.
Theo thống kê của Worldometers, Nga hiện ghi nhận 27.938 ca nhiễm COVID-19, trong đó 232 trường hợp đã tử vong. Thủ đô Moscow là khu vực bị ảnh hưởng nhất ở Nga bởi dịch COVID-19. Thành phố này đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.