Nhiều nước mở cửa, sống chung với đại dịch COVID-19

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới quyết định đã đến lúc mở cửa và áp dụng mô hình 'sống chung với COVID-19'.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 28/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 232.583.906 ca, trong đó có 4.761.756 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 303.536 trường hợp mắc COVID-19 và 5.047 ca tử vong.

Hành khách điền thông tin vào phiếu cách ly phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Narita, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Đại dịch đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 209 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 27/9, thế giới có 127 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 101 quốc gia, vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nước trên thế giới quyết định đã đến lúc mở cửa và áp dụng mô hình “sống chung với COVID-19”.

Chính phủ Nhật Bản ngày 27/9 cho biết kể từ ngày 1/10 tới, nước này sẽ nới lỏng các quy định về cách ly đối với những khách nhập cảnh đã tiêm ngừa COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang lên kế hoạch khởi động lại du lịch quốc tế. Phát biểu trong cuộc họp báo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các trường hợp đã được tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh Nhật Bản chỉ cần cách ly tại nhà trong 10 ngày - giảm 4 ngày so với quy định trước đó.

Sau khi hết thời hạn cách ly, những người đã được tiêm phòng đầy đủ có thể tự do đi lại trong lãnh thổ Nhật Bản nếu họ có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, quy định nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với các trường hợp đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca.

Tại New Zealand, ngày 27/9, Bộ trưởng phụ trách Ứng phó với dịch COVID-19 của New Zealand Chris Hipkins cho biết mục tiêu mở cửa trở lại biên giới của New Zealand một cách an toàn và xây dựng các phương thức mới để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân sẽ được bắt đầu với chương trình thí điểm tự cách ly.

Bộ trưởng Hipkins cho biết là một phần của kế hoạch tái kết nối New Zealand với thế giới được công bố vào tháng 8, chương trình thí điểm sẽ xem xét việc tự cách ly ở những người đã được tiêm chủng và chưa từng đến các quốc gia có nguy cơ rất cao. Mục đích của chương trình này là nhằm nghiên cứu một cách thức mới để nhập cảnh New Zealand, cho phép chính phủ xác định những thông tin giá trị cho việc đưa ra các lựa chọn trong tương lai.

Theo Bộ trưởng Hipkins, kế hoạch này nhắm đến đối tượng là doanh nhân, người đi công tác nước ngoài ngắn ngày và tự cách ly tại địa điểm đã được chấp thuận trong 14 ngày kể từ khi về New Zealand. Những người này phải tự cách ly trong một không gian riêng biệt, không dùng chung hệ thống thông gió, cũng như phải chịu sự giám sát và kiểm tra trong thời gian này.

Ngày 27/9, giới chức Australia cho biết đến giữa tháng 10 tới, thành phố Sydney đạt tỷ lệ tiêm chủng đủ liều ngừa COVID-19 sẽ không còn phải thực thi lệnh phong tỏa. Nhà chức trách đang phác thảo lộ trình chi tiết dỡ bỏ các hạn chế trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở thành phố này giảm.

Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian, nêu rõ quy định người dân phải ở nhà dự kiến sẽ được dỡ bỏ tại Sydney và các vùng phụ cận ở bang này, khi tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 liều vaccine ngừa COVID-19 đạt 70%. Nhiều khả năng mục tiêu này có thể đạt được vào ngày 11/10 tới. Theo đó, các quán rượu, nhà hàng và các cửa hàng sẽ được phép mở cửa trở lại để đón các khách hàng đã tiêm đủ liều vaccine. Ngoài ra, bạn bè và người thân trong các gia đình sinh sống ở thành phố lớn nhất Australia này sẽ có thể đoàn tụ lần đầu tiên sau hơn 3 tháng.

Bà Berejiklian cho biết thêm, bang New South Wales sẽ chuyển sang "trạng thái bình thường mới" vào ngày 1/12 năm nay. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều chính sách sửa đổi được ban hành, trong đó bỏ quy định giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang tại các văn phòng; các bể bơi trong nhà và hộp đêm có thể mở cửa trở lại và những người chưa tiêm phòng sẽ có thể tự do thực hiện nhiều hoạt động hơn.

Hành khách điền thông tin vào phiếu cách ly phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc tế Narita, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: AFP

Cùng ngày, nhà chức trách Australia thông báo sẽ dỡ bỏ quy định ở nhà đối với cư dân thủ đô Canberra vào ngày 15/10 tới. Các quán bar, các cơ sở làm đẹp và phòng tập thể thao cùng nhiều cơ sở kinh doanh khác sẽ được mở cửa trở lại.

Khoảng 400.000 người tại thủ đô của Australia đã phải thực hiện quy định ở nhà kể từ giữa tháng 8 vừa qua khi nhà chức trách nỗ lực ngăn chặn một đợt bùng phát dịch tuy nhỏ nhưng kéo dài dai dẳng.

Tại Chile, quốc gia này đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi về chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 thành công. Theo những báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Chile, khoảng 87% người dân đủ điều kiện đã được tiêm vaccine đầy đủ. Thậm chí, Chile đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người đã được tiêm vaccine đầy đủ.

Bất chấp mối đe dọa từ biến thể Delta, Chính phủ Chile mới đây đã công bố các bước mở cửa trở lại đối với du khách quốc tế từ ngày 1/10, để kịp chào đón mùa Hè tại quốc gia nằm ở Nam bán cầu này. Theo quy định mới, những người nước ngoài không phải là thường trú nhân sẽ có thể nhập cảnh vào Chile nếu đáp ứng một số yêu cầu nhất định và cách ly trong 5 ngày sau khi đến.

Thứ trưởng Du lịch Chile José Luis Uriarte cho biết việc cho phép du khách nước ngoài đến Chile là một bước quan trọng đối với sự phục hồi của ngành du lịch trong nước. Ông cho biết thêm đây chỉ là bước đầu tiên, và Chile có thể tiếp tục mở cửa nếu duy trì các điều kiện y tế phù hợp.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhieu-nuoc-mo-cua-song-chung-voi-dai-dich-covid-19-post158419.html