Nhiều nước tái khởi động nền kinh tế: Lộ trình thận trọng
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở một số nước đang tiến triển tích cực, nhiều quốc gia bắt đầu tính tới việc tái khởi động nền kinh tế, trong đó phần lớn đều theo đuổi lộ trình thận trọng nhằm ngăn ngừa sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
Nhiều quốc gia đang dần nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và mở cửa trở lại nền kinh tế.
Hiện tại, một số nước đã đề xuất việc khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội theo 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, các trường học, cửa hàng quy mô nhỏ, công ty… sẽ mở cửa trở lại, người dân được phép ra đường sau thời gian cách ly, phong tỏa. Đây cũng là giai đoạn nhiều doanh nghiệp được phép hoạt động ngay nhưng với công suất thấp để bảo đảm các yêu cầu giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh. 3 tuần sau đó, nếu dịch Covid-19 không bùng phát trở lại, giai đoạn 2 sẽ cho phép những cửa hàng quy mô lớn và nhỏ, dịch vụ mở cửa, người dân được tụ tập tối đa 10 người. Khoảng 6 tuần kể từ thời điểm nới lỏng đầu tiên, giai đoạn 3 sẽ bắt đầu và các nhà hàng, rạp chiếu phim… được hoạt động. Người dân cũng có thể tự do di chuyển nhiều hơn, đi du lịch và được tụ tập tối đa 50 người.
Một số quốc gia châu Âu như Italia, Anh, Pháp, Đức… từng là những điểm nóng về dịch Covid-19 đã xem xét kế hoạch dỡ bỏ các lệnh hạn chế xã hội, bước đầu nối lại hoạt động kinh tế. Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, nước này sẽ cho phép các nhà máy và những khu vực xây dựng hoạt động từ ngày 4-5 trước khi thông qua việc mở cửa trở lại nhiều doanh nghiệp hơn trong những tuần tiếp theo.
Ở châu Á, Ấn Độ, Iran, Israel đã thông qua việc để các doanh nghiệp tại những khu vực có nguy cơ thấp hoạt động. Trong khi đó, Chính phủ Australia, New Zealand chọn cách mở cửa dần nền kinh tế cùng với sử dụng ứng dụng điện thoại truy vết các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Mỹ cũng là quốc gia áp dụng kế hoạch tái khởi động nền kinh tế theo 3 giai đoạn. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh tới điều kiện tiên quyết rằng các tiểu bang phải cho thấy sự suy giảm của dịch bệnh. Tới nay, các bang Michigan, Minnesota, Colorado, Nam Carolina đã mở cửa trở lại một phần nền kinh tế, trong khi bang Alabama, Ohio, Montana, Iowa đều khẳng định sẽ triển khai lộ trình tái khởi động ngay trong tuần này.
Cùng với nới lỏng các lệnh cách ly, việc bổ sung những công cụ hỗ trợ phòng dịch, trong đó có ứng dụng công nghệ để theo dõi tiếp xúc, truy vết lây nhiễm cũng được nhiều quốc gia lên kế hoạch thực hiện. Hàng loạt các gói tài chính nhằm hỗ trợ người dân, kích cầu, giúp nền kinh tế hồi phục cũng đã được hầu hết các nước công bố và áp dụng.
Dẫu rằng việc khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quan trọng nhưng điều này cần phải tính đến sự an toàn về y tế nhằm bảo đảm dịch bệnh sẽ không bùng phát trở lại. Giới chuyên môn cho rằng, các quốc gia cần giữ vững ba trụ cột quan trọng khi mở cửa nền kinh tế như bảo đảm xét nghiệm hàng loạt để không bỏ sót người nhiễm vi rút SARS-CoV-2; truy vết và cách ly nghiêm ngặt nguồn bệnh; bảo đảm nguồn cung dồi dào các thiết bị bảo vệ cá nhân cho nhân viên y tế tuyến đầu. Nhiều ý kiến cũng cảnh báo chính phủ các nước cần thận trọng trước khi đưa ra quyết định dỡ bỏ dần các quy định hạn chế bởi nếu thực hiện quá sớm có thể dẫn đến một làn sóng dịch bệnh thứ hai và có thể sẽ phải bắt đầu lại các quy định hạn chế mới. Nếu vậy, nền kinh tế có nguy cơ lao dốc tồi tệ hơn rất nhiều.
Theo các chuyên gia, những tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế thế giới có thể là nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái những năm 1930. Vì vậy, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh chắc chắn là thách thức rất lớn đối với tất cả các chính phủ. Để hạn chế rủi ro, các quốc gia cần có những chiến lược phù hợp, linh hoạt với tình hình thực tế để từng bước phục hồi trong điều kiện mới.