Nhiều nước tăng cường đầu tư phát triển vaccine ngừa COVID-19
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan sau gần 8 tháng bùng phát trên toàn cầu, vaccine được xem là giải pháp hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh này. Vì vậy, nhiều nước dồn nỗ lực vào đầu tư phát triển vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 9/11, Thống đốc bang Sao Paulo của Brazil Jao Doria thông báo, Viện Butantan, một trong những trung tâm nghiên cứu y tế hàng đầu của nước này, đã bắt đầu dự án cải tạo một cơ sở của cơ quan này thành một nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 với công suất lên tới 100 triệu liều/năm trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Sao Paulo và phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc.
Ông Doria cho biết đây sẽ là nhà máy sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại Mỹ Latinh. Dự kiến công trình có vốn đầu tư trị giá khoảng 142 triệu real (26,5 triệu USD) sẽ được hoàn thiện vào tháng 9/2021 và loại vaccine sẽ được cơ sở này sản xuất là CoronaVac do phòng thí nghiệm Sinovac nghiên cứu và phát triển.
Theo ông Doria, trong thời gian công trình được xây dựng và hoàn thiện, bang Sao Paulo sẽ nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc để có thể sản xuất khoảng 40 triệu liều vaccine CoronaVac tại một số nhà máy đủ điều kiện và đang hoạt động khác.
Brazil là quốc gia Mỹ Latinh được lựa chọn để thử nghiệm một loạt các loại vaccine ngừa COVID-19 đang được các phòng thí nghiệm trên thế giới nghiên cứu. Ngoài loại vaccine của Trung Quốc, Brazil cũng là nơi tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine do công ty dược AstraZeneca và trường Đại học Oxford của Anh nghiên cứu, cũng như của công ty đa quốc gia Johnson & Johnson và liên doanh BioNTech (Đức) và Wyeth/Pfizer (Mỹ).
Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới từ đại dịch COVID-19 với khoảng 5,6 triệu ca mắc bệnh và trên 162.000 người tử vong, Brazil hy vọng sẽ sớm có được vaccine và triển khai chiến dịch tiêm phòng vào đầu năm 2021 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh này.
*Tại châu Á, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ đầu tư 2.000 tỷ rupiah (142,83 triệu USD) cho công ty dược quốc doanh PT Bio Farma để xây dựng các cơ sở sản xuất vaccine, đặc biệt là các nguyên liệu sơ cấp, nhằm mục đích giảm nhập khẩu từ các nước khác. Tổng cục trưởng Tài sản nhà nước thuộc Bộ Tài chính, ông Isa Rachmatarwata cho biết quyết định này hiện đang chờ Quốc hội thông qua trước khi triển khai.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ nước này đã phân bổ 40.800 tỷ rupiah để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nhiều năm, trong đó 3.800 tỷ rupiah sẽ được giải ngân trong năm nay. Cùng với đó, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cho biết nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách cho dự án vaccine “Merah Putih (Trắng Đỏ) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Eijkman và Viện Khoa học Indonesia tiến hành.
Công ty dược quốc doanh PT Bio Farma cho biết sẽ sản xuất 290 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua hợp tác với nhà sản xuất vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc. Theo Giám đốc điều hành Bio Farma, ông Honesti Basyir, quá trình thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này được thực hiện trong 6 tháng và phấn đấu hoàn tất vào tháng 1/2021.
Theo kế hoạch, nếu quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 diễn ra suôn sẻ, Bio Farma sẽ bắt tay sản xuất vaccine ngừa COVID-19 vào quý I/2021. Hiện công ty đã chuẩn bị các cơ sở sản xuất với tổng công suất tối đa 250 triệu liều vaccine mỗi năm.
* Đức ngày 9/11 thông báo nước này sẽ ưu tiên cấp vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền và người làm trong ngành y tế, chăm sóc sức khỏe...
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã công bố thông tin sau khi các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo một loại vaccine ngừa COVID-19 do 2 công ty này phối hợp phát triển có mức độ hiệu quả lên tới hơn 90% trong giai đoạn 3 thử nghiệm trên người, cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối, đang được tiến hành.
Đức có 80 triệu dân và dân số nước này đang trong tình trạng già hóa với tốc độ nhanh. Số người tại Đức được xác định có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2 chiếm 40% dân số. Điều này đồng nghĩa nhu cầu vaccine ngừa COVID-19 của Đức là rất lớn.
*Trong khi đó, nhiều nước đang thúc đẩy các cuộc đàm phán mua vaccine ngừa COVID-19 cũng như khuyến khích người dân tham gia tiêm phòng vaccine ngừa bệnh này.
Giới chức Israel ngày 9/11 cho biết đang trong quá trình đàm phán mua vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Pfixer cùng đối tác BioNTech phối hợp sản xuất. Hiện Israel cũng đang phát triển vaccine ngừa COVID-19 của riêng mình, tuy nhiên, vaccine này mới ở giai đoạn chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng.
Quốc Vương Maroc Mohammed VI ngày 9/11 quyết định sẽ phát động một chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 trên cả nước. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thời điểm nào sẽ có vaccine và chiến dịch tiêm chủng này sẽ bắt đầu khi nào.
Quốc Vương Maroc đưa ra quyết định trên trong bối dịch dịch bệnh COVID-19 tại nước này tiếp tục lây lan với số ca nhiễm mới trong vài ngày qua ở mức trung bình 5.000 ca/ngày và sau khi Pfizer và BioNTech công bố thông tin tích cực về kết quả thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng phát triển và sản xuất.