Nhiều nước tiêm phòng Covid-19 cho trẻ nhỏ và áp dụng chiến lược sống chung với dịch
Sau khi tập trung tiêm phòng Covid-19 cho nhóm đối tượng là người trưởng thành, thiếu niên, hiện nhiều nước đang nghiên cứu hoặc đã triển khai tiêm phòng cho trẻ nhỏ từ dưới 11 tuổi.
Cùng với tiêm phòng và các biện pháp bảo vệ, dịch Covid-19 đã có chiều hướng giảm ở nhiều nơi và nhiều nước tự tin với chiến lược sống chung với dịch bệnh.
Trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng và thực tế tại Mỹ, hơn 540 trẻ em đã chết vì Covid-19. Các chuyên gia y tế tin rằng, việc tiêm phòng cho trẻ em là cần thiết để bảo vệ chính các em và giảm sự lây lan sang những người trưởng thành dễ bị tổn thương. Hôm qua, Philippines đã bắt đầu tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, trong chiến dịch nâng độ bao phủ tiêm chủng trước sự tấn công của biến thể Delta. Không chỉ ở lứa tuổi 12-17, Argentina đã tiêm phòng cho trẻ từ 3 đến 11 tuổi.
Một số bà mẹ ở Philippin, Argentina cho con đi tiêm phòng chia sẻ:
“Chúng tôi rất mong cả gia đình được tiêm chủng và nhiều người hơn được tiêm phòng. Giờ đây tôi rất vui vì đưa con áp út của tôi đã được tiêm phòng và chỉ còn một cháu nữa chưa tiêm".
"Chúng tôi đi làm việc ở bên ngoài, nên rất lo sợ sẽ lây bệnh sang cho các con, nếu chúng không được tiêm phòng đầy đủ".
Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 1/3 các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi trên 12 ở Mỹ ủng hộ việc đưa con mình đi tiêm chủng. Gần 77% trẻ trên 12 tuổi ở Mỹ đã được chủng ngừa. Chính quyền các bang ở Mỹ đang nhắm đến 28 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 11 và giới chức y tế đang tính toán liều lượng tiêm an toàn cho trẻ nhỏ.
Khi đối tượng tiêm phòng ngày càng mở rộng, nhiều nước từ Singapore tới Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc Australia, Mỹ, Israel đồng loạt mở cửa và tự tin với chiến lược sống chung với Covid. Israel là quốc gia thành công hơn cả khi quán triệt 3 điểm là tiêm mũi tăng cường cho người trên 12 tuổi, đeo khẩu trang và áp dụng thẻ xanh (còn gọi là hộ chiếu vaccine).
Theo Thủ tướng Naftali Bennett, chính sách quản lý chặt chẽ, thông minh và linh hoạt sẽ cho phép cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Thực tế, một số nước như Anh chưa thành công do thiếu 1 trong 3 biện pháp trên. Gần 5% dân số Anh được tiêm mũi tăng cường nhưng người dân không đeo khẩu trang và chính quyền không bắt buộc hộ chiếu vaccine tại các địa điểm đông người như nhà hàng, nên số ca mắc vẫn tăng.
Ông Ran Balicer, người đứng đầu Ủy ban cố vấn chống dịch của chính phủ Israel cho rằng, bài học kinh nghiệm của Israel nên được tham khảo để thế giới sớm đẩy lùi dịch bệnh:
"Israel là quốc gia đầu tiên đối phó cùng lúc với chủng Delta và tình trạng suy giảm miễn dịch hàng loạt. Nhiều quốc gia sẽ trải qua nguy cơ này cùng với tác động của khí hậu mùa Đông và dịch cúm theo mùa. Đây sẽ là thách thức đáng kể đối với các quốc gia khác và một số bài học kinh nghiệm từ Israel sẽ giúp các nước chuẩn bị tốt hơn và giảm thiểu mối đe dọa này"./.