Nhiều 'ông lớn' FDI rót hàng tỷ USD vào Việt Nam

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm do đại dịch COVID-19, hàng loạt 'ông lớn' FDI thế giới vẫn đăng ký dự án mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD tại các dự án tại Việt Nam. Điều này đã góp phần giúp Việt Nam thu hút được gần 16 tỷ USD vốn FDI trong nửa đầu năm 2020.

Nhiều “ông lớn” FDI rót hàng trăm triệu USD vào Việt Nam. ảnh minh họa

Nhiều “ông lớn” FDI rót hàng trăm triệu USD vào Việt Nam. ảnh minh họa

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) vừa cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần 15,67 tỷ USD. Mặc dù chịu tác động của đại dịch COVID-19 nhưng số vốn FDI chỉ giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019 – năm đỉnh cao trong thu hút vốn FDI của Việt Nam.

Trên cả nước có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tổng vốn đăng ký đạt 8,44 tỷ USD. Trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn nhất Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu với vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD. Dự án này được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 16/1/2020 với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.

Tiếp theo là các dự án như Nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải (Hồng Kông), vốn đầu tư 214 triệu USD với mục tiêu sản xuất vải dệt kim tại Quảng Ninh. Dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng.

Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh (cấp GCNĐKĐT ngày 21/01/2020).

Dự án Victory - Nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Đồng Văn, tỉnh Hà Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư 273 triệu USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp các thiết bị máy tính điện tử và ngoại vi máy tính; sản xuất các thiết bị âm thanh và hình ảnh điện tử dân dụng (cấp GCNĐKĐT ngày 01/4/2020).

Ngoài các dự án đăng ký mới, cả nước có có 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 6 tháng năm 2020 tăng do có Dự án tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD. Dự án Công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai (Singgapore), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 31/3/2020).

Đối với góp vốn, mua cổ phần, có 4.125 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN, tăng 2,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 3,51 tỷ USD, bằng 43,2% so với cùng kỳ. Mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 44% trong 6 tháng năm 2019 xuống 22,4% trong 6 tháng năm 2020.

Các nhà đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 8 tỷ USD, chiếm 51,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,95 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 1,08 tỷ USD và gần 850 triệu USD.

Quỳnh Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/nhieu-ong-lon-fdi-rot-hang-ty-usd-vao-viet-nam-1679309.tpo