Nhiều phụ huynh Trung Quốc bị lừa vì 'chạy' cho con vào trường điểm

Với tâm lý cho con vào trường danh tiếng, nhiều phụ huynh Trung Quốc mắc bẫy kẻ gian, mất trắng tiền.

Ở Trung Quốc, với mong muốn con được phát triển trong môi trường giáo dục tốt, các phụ huynh thường có xu hướng cho con theo học tại ngôi trường danh tiếng.

Số lượng học sinh nhiều trong khi số lượng trường "điểm" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, việc đi học của trẻ trở thành cuộc chạy đua khốc liệt của cha mẹ. Không ít kẻ lợi dụng tâm lý lo lắng của phụ huynh để tiến hành thủ đoạn lừa đảo.

 Phụ huynh bị kẻ gian lừa tiền với lời hứa giúp con họ vào trường "điểm". Ảnh: Sohu.

Phụ huynh bị kẻ gian lừa tiền với lời hứa giúp con họ vào trường "điểm". Ảnh: Sohu.

Mất trắng tiền vì muốn con vào trường danh tiếng

Lưu là kẻ thất nghiệp đã lâu, sống tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tuy nhiên, vẻ ngoài bóng bẩy cùng tài ăn nói khiến hắn tạo dựng được hình tượng tốt trong mắt những người xung quanh.

Tần quen biết Lưu thông qua sự giới thiệu của bạn bè. Vốn là người thật thà cả tin, Tần đã bị đánh lừa vì bề ngoài hào nhoáng của hắn, cảm thấy người này chính là “quý nhân” có thể nhờ cậy.

Tần là người làm công ăn lương, điều kiện gia đình không thể mua nổi nhà ở khu vực gần các trường tiểu học có tiếng. Muốn con mình được theo học tại các trường trọng điểm, Tần nhờ Lưu dùng các mối quan hệ nghe ngóng giúp mình.

Lưu tiết lộ với Tần hắn quen biết một vị lãnh đạo trong ban tuyển sinh, chắc chắn sẽ giúp con Tần được nhận vào ngôi trường đó. Đồng thời, Lưu đề nghị Tần đưa trước một số tiền để “lót tay”, giúp công việc diễn ra suôn sẻ hơn. Vì muốn chắc chắn con mình được nhận, Tần không ngần ngại đưa cho Lưu 20.000 nhân dân tệ (hơn 70 triệu đồng).

Tuy nhiên, số tiền đó bị kẻ lừa đảo họ Lưu nhanh chóng tiêu hết vào việc ăn chơi trác táng. Mọi chuyện đều là màn kịch do hắn dựng lên để che mắt những phụ huynh nhẹ dạ cả tin.

Một tháng sau, khi Tần dò hỏi về tin tức phía trường học, Lưu vẫn tự tin nói dối thủ tục đang trong quá trình hoàn tất, nhà trường chắc chắn sẽ giữ lại chỉ tiêu cho con của Tần.

Đến mùa tuyển sinh của các trường tiểu học, nhìn những gia đình khác hoàn tất thủ tục đăng ký, lòng Tần nóng như lửa đốt. Tần vội vàng liên hệ với Lưu để hỏi thăm tình hình.

Lưu viện cớ nhà trường ưu tiên học sinh có hộ khẩu ở khu vực đó, còn những trẻ chưa có hộ khẩu phải đợi đợt nhập học tiếp theo. Hắn đề nghị Tần đưa thêm tiền để hoàn tất thủ tục cuối cùng. Lúc này, trong tay Tần không còn nhiều tiền, chỉ đành vay mượn họ hàng thêm 10.000 tệ đưa cho hắn.

Đến khi các trường bắt đầu khai giảng, Tần nhận ra điều bất ổn vì việc nhập học của con vẫn không có chút tiến triển. Tần yêu cầu Lưu hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã đưa trước đó nếu việc không thành.

Sau vài ngày, Tần mất liên lạc với Lưu. Nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, Tần tìm được đến nơi ở của hắn. Tuy nhiên, khi đến nơi, Tần ngỡ ngàng khi người và của đều đã biến mất. Biết mình đã mắc bẫy kẻ gian, Tần vội vàng đến cơ quan công an trình báo.

Theo Sina, sau khi công an vào cuộc điều tra, Lưu bị truy tố với tội danh lừa đảo, chịu án phạt một năm tù giam và bồi thường 10.000 nhân dân tệ.

 Cho con vào tiểu học trở thành cuộc đua khốc liệt giữa các bậc cha mẹ. Ảnh: Sohu.

Cho con vào tiểu học trở thành cuộc đua khốc liệt giữa các bậc cha mẹ. Ảnh: Sohu.

Hệ lụy của trào lưu chạy theo trường điểm

Tâm lý chọn trường điểm đã ăn sâu vào nhận thức của đại đa số các bậc phụ huynh. Nhiều người tình nguyện bỏ ra một khoản tiền khổng lồ mua nhà ở khu vực gần trường để con cái được nhận vào học theo quy chế tuyển sinh.

Trào lưu này khiến thị trường bất động sản ở khu vực gần các trường trọng điểm trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Nhiều phụ huynh sẵn sàng trả cái giá cắt cổ để mua một căn nhà chất lượng thấp, mong con mình có được suất vào ngôi trường tốt nhất.

Những người không đủ điều kiện kinh tế để “chạy hộ khẩu” chỉ còn cách nhờ đến các mối quan hệ hoặc người môi giới. Việc này đã tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo hoành hành.

Không chỉ khiến cho các bậc phụ huynh đau đầu, trào lưu chọn trường điểm còn đem đến áp lực khổng lồ cho những đứa trẻ còn đang tuổi ăn tuổi lớn.

Theo Sina, giữa trường bình thường gần nhà và trường trọng điểm ở xa, nhiều phụ huynh bất chấp khó khăn trong việc đưa đón để cho con em theo học tại trường có danh tiếng hơn.

Việc mỗi ngày phải thức dậy từ rất sớm để di chuyển đến trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của học sinh tiểu học.

Cuộc chạy đua vào trường điểm ngày càng khắc nghiệt. Do không có các kỳ thi đầu vào để đánh giá, sở trường và năng khiếu trở thành một tiêu chí ưu tiên trong việc tuyển sinh tại các trường tiểu học và trung học ở Trung Quốc.

Vì muốn con em mình có được lợi thế, nhiều phụ huynh Trung Quốc cho con tham gia các lớp học năng khiếu như ca hát, nhảy múa, nhạc cụ từ rất sớm.

Thời gian biểu bị lấp đầy bởi các lớp học từ văn hóa đến kỹ năng khiến trẻ em không có đủ thời gian vui chơi, nghỉ ngơi. Tâm lý coi trọng trường điểm dường như biến việc đi học trở thành cuộc đua mà cả phụ huynh và học sinh đều kiệt sức.

Đồng thời, trào lưu chọn trường điểm cũng là nguyên nhân kéo giãn khoảng cách chênh lệch giữa các trường học về cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo.

Các trường trọng điểm có nguồn thu lớn từ việc thu phí chọn trường. Theo Sina, phí chọn trường ở Trung Quốc dao động trong khoảng từ 6.000-20.000 tệ (khoảng 20-70 triệu đồng) tùy theo thành phố và độ nổi tiếng của trường.

Dựa vào nguồn thu này, các trường trọng điểm có thể nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, xây dựng cơ sở vật chất, thu hút càng nhiều học sinh. Trong khi đó, trường kém nổi tiếng hơn do thiếu hụt kinh phí lại càng rơi vào tình thế khó khăn.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-phu-huynh-trung-quoc-bi-lua-vi-chay-cho-con-vao-truong-diem-post1315775.html