Nhiều phụ nữ Mỹ chọn cấp đông trứng
'Tôi lo rằng cơ thể sẽ không còn khả năng sinh nở nữa. Tôi làm điều này vì chính mình', Becca Kufrin, ngôi sao truyền hình thực tế người Mỹ, nói.
Zing trích dịch bài đăng trên The Lily, đề cập đến xu hướng cấp đông trứng của phụ nữ Mỹ.
Suốt nhiều tháng cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19, các chuyên gia dự đoán tình trạng bùng nổ dân số sẽ xuất hiện. Nhưng điều đó không hoàn toàn chính xác.
Tại bang New York (Mỹ), khi tất cả nhà hàng, quán bar, cửa tiệm rơi vào cảnh ế ẩm hoặc đóng cửa, tỷ lệ phụ nữ tìm đến Trung tâm Sinh sản Lagone thuộc ĐH New York (Mỹ) để cấp đông trứng lại tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc trung tâm James A. Grifo lý giải: "Ngày càng nhiều người thực hiện thủ pháp trữ lạnh trứng vì chưa muốn có thai vào thời điểm bất ổn như hiện tại. Họ làm điều này để đảm bảo khả năng sinh sản của mình".
"Tôi làm điều này vì chính mình"
Phương pháp đông lạnh trứng được phát triển vào những năm 1980 nhằm giúp bệnh nhân điều trị bằng hóa chất có con sau khi hồi phục.
Năm 2012, Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ chính thức áp dụng biện pháp trên vào chữa bệnh hiếm muộn. Nhờ đó, phụ nữ nay có thêm cơ hội mang thai, đặc biệt khi độ tuổi làm mẹ lần đầu trung bình ngày càng tăng.
Becca Kufrin (30 tuổi), cựu thí sinh mùa 8 của chương trình thực tế The Bachelorette, lựa chọn trữ lạnh trứng sau khi "đường ai nấy đi" với hôn phu. Chia sẻ với The Lily, Kufrin cho biết đây là một cách "đầu tư vào bản thân" xứng đáng.
"Tôi vừa chia tay và chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ mới. Tôi lo rằng đến khi tìm được người phù hợp để tiến tới hôn nhân, cơ thể sẽ không còn khả năng sinh nở nữa. Vì thế, tôi làm điều này vì chính mình", cô nói.
Quyết định của Kufrin nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình, bạn bè và những người theo dõi trên mạng xã hội. "Đây thực sự là một trải nghiệm ý nghĩa với tôi".
Kết quả sàng lọc ban đầu cho thấy 19/24 số trứng được lấy từ Kufrin đủ tiêu chuẩn và sẵn sàng cho quy trình cấp đông. Các bác sĩ nhận định cô có tỷ lệ đậu thai là 90%.
"Tôi luôn mong ước tìm được người bạn đời hoàn hảo và cùng anh ấy xây dựng tổ ấm. Nhưng nếu điều đó không thành hiện thực, tôi vẫn có thể làm mẹ như bao người", Kufrin bộc bạch.
Theo nghiên cứu của trung tâm Lagone, 74% số trứng lấy mẫu vượt qua quá trình đông lạnh, 70% được thụ tinh thành công với tỷ lệ sống sót lên đến 34% - gần tương tự các phương pháp thụ tinh nhân tạo khác.
Giám đốc James A. Grifo nói rằng trung tâm chưa ghi nhận trường hợp sức khỏe của các em bé sinh ra từ trứng cấp đông bị ảnh hưởng. Đáng nói, tỷ lệ sảy thai cũng ít hơn phương pháp thụ tinh thông thường nhờ bước sàng lọc ban đầu.
Tuy nhiên, tuổi tác lại là trở ngại gây ảnh hưởng đến hiệu quả của biện pháp này. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu cấp đông trứng ở độ tuổi 30, tỷ lệ thụ tinh thành công là 13,2%, còn ở độ tuổi 40 chỉ còn 8,6%.
Đầu năm nay, Caroline Lunny (29 tuổi) tới bệnh viện để kiểm tra khả năng sinh sản dù chưa có ý định mang thai. Cô không có bất kỳ bệnh nền nào ngoài hen suyễn, song kết quả cho thấy cô có khả năng mắc chứng hiếm muộn.
"Bác sĩ nói số lượng trứng trong cơ thể tôi đang giảm dần, tương đương một phụ nữ 44 tuổi. Cả thế giới của tôi như ngừng lại. Nhiều y sĩ khuyên tôi nên từ bỏ hi vọng có con", Lunny hồi tưởng.
Vài ngày sau khi trở về từ bệnh viện, cô bắt đầu có triệu chứng Covid-19. Lunny buộc phải tự cách ly nhiều tuần, vật lộn với dịch bệnh và nỗi lo không thể có con trong tương lai.
"Tôi không sợ SARS-CoV-2 bằng chứng vô sinh. Thời gian đó thật kinh khủng, tôi không thể lãng phí thêm một giây phút nào để chữa bệnh hiếm muộn nữa".
Một tháng sau, Lunny hồi phục và lập tức bắt đầu điều trị. Sau hai buổi khám, bác sĩ lấy được 4 trứng - một "phép màu" với tình trạng của cô. "Thời gian không chờ đợi phụ nữ. Phương pháp trữ lạnh trứng đã cho tôi có cơ hội được làm mẹ", Lunny cảm kích.
Sức mạnh của sự lựa chọn
Tuy nhiên, chi phí thực hiện liệu pháp này không hề rẻ. Ở các nước trên thế giới, các phương pháp thụ tinh nhân tạo đều không được bảo hiểm y tế chi trả.
Để cấp đông trứng, phụ nữ cần được tiêm hormone kích thích buồng trứng hàng ngày, tái khám thường xuyên, sử dụng thuốc mê với chi phí trung bình 15.000 USD/lần, theo CNY Fertility.
Meghan Smith, chuyên gia Nội tiết - Sinh sản tại ĐH Nam California (Mỹ), tiết lộ nhiều người vẫn quyết tâm thực hiện liệu pháp này dù gặp nhiều khó khăn tài chính trong mùa dịch.
Họ chấp nhận dốc tiền tiết kiệm, bảo hiểm, thậm chí thế chấp tài sản để đảm bảo khả năng sinh sản trong tương lai. Bên cạnh đó, không ít người có sáng kiến độc đáo nhằm giảm thiểu chi phí.
Rochelle Gapere (39 tuổi), một phụ nữ người Jamaica, chọn cách trữ đông trứng tại một bệnh viện ở đảo quốc Barbados với mức giá chỉ 7.000 USD.
"Tôi vốn là một người tự tin nhưng việc lưu trữ trứng khiến tôi cảm thấy an toàn hơn. Ngay cả khi 40 tuổi, tôi vẫn có thể thong thả tìm hiểu, hẹn hò với người khác mà không gặp áp lực về thời gian sinh nở", Gapere nói.
Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, cơ hội gặp gỡ đối tượng ngày càng hạn chế, quyết định cấp đông trứng càng khiến cô thêm an tâm.
"Đại dịch khiến tôi nhận ra mình cần lên kế hoạch và chuẩn bị cho tương lai. Tôi rất biết ơn khi không còn phải chạy đua với thời gian theo quan niệm xã hội hay ở bên ai đó không xứng đáng chỉ để có con. Sức mạnh của sự lựa chọn thật tuyệt vời", người phụ nữ Jamaica nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-phu-nu-my-chon-cap-dong-trung-post1160902.html